GIẢI THƯỞNG DỊCH THUẬT - PGS.TS. NGÔ ĐỨC THỌ

Phó Giáo sư Ngô Đức Thọ sinh ngày 10 tháng 01 năm 1936, tại làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Ông là cháu đích tôn của Nhà chí sĩ yêu nước Ngô Đức Kế.

Năm 1963- 1967, Sinh viên Khoa Ngữ Văn (K8), Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Năm 1975: Thạc sĩ Lớp chuyên tu Hán Nôm

Năm 1995: Tiến sĩ Ngữ văn – chuyên ngành Hán Nôm

1996: Phó Giáo sư Ngữ văn học

2002 đến nay: Ông đã nghỉ hưu.

Ông Ngô Đức Thọ là chuyên gia hàng đầu về Hán Nôm, đã từng nhiều năm làm việc tại Thư viện Quốc gia Hà Nội và Viện Nghiên cứu Hán Nôm (thuộc Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam). Tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, từ năm 1982 – 2001, ông giữ chức vụ Trưởng ban Văn bản học.

Ông là tác giả của công trình chuyên khảo “Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại”, công trình mà Giáo sư Hà Văn Tấn đánh giá là “đã đặt nền móng cho môn tỵ húy học Việt Nam” (Lời tựa). Một cuốn chuyên khảo khác “Cơ sở văn bản học Hán Nôm” cũng được coi là một cuốn sách đặt nền móng cho ngành văn bản học Hán Nôm Việt Nam.

Ông cũng là dịch giả các tác phẩm Hán Nôm có giá trị như: Đại Việt Sử ký toàn thư, Văn bia  Tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử giám, Thiền uyển tập anh, Nam triều công nghiệp diễn chí, Đồng Khánh địa dư chí, Hoàng Việt hưng long chí.

Ông là chủ biên của các công trình tra cứu đặc biệt có giá trị, được sử dụng và trích dẫn với tần số lớn: Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075 – 1919, Từ điển Di tích Lịch sử Văn hóa Việt Nam.

Ngô Đức Thọ là một nhà nghiên cứu chuyên sâu và tâm huyết. Cả cuộc đời ông gắn bó với di sản của tiền nhân qua công việc phát hiện, hệ thống hóa, nghiên cứu và đặt nền móng cho một số ngành học (Tỵ húy học, Văn bản học Hán Nôm), đồng thời cũng đáp ứng rất kịp thời nhu cầu nâng cao dân trí của thời đại hôm nay (Di tích lịch sử, nhân vật khoa bảng).

Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh hân hạnh trao Giải Dịch thuật đến Ông Ngô Đức Thọ vì những đóng góp xuất sắc của Ông trong dịch thuật và truyền bá Văn hóa Hán Nôm.