GIẢI THƯỞNG NGHIÊN CỨU - NHÀ SỬ HỌC TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG

Cho đến hiện nay, Tạ Chí Đại Trường được xem là một trong những nhà sử học xuất sắc, có những đóng góp quan trọng, độc đáo và mới mẻ, đặt ra nhiều vấn đề không chỉ về các sự kiện, các nhân vật, các giai đoạn lịch sử riêng lẻ, mà còn là những vấn đề về cách nhìn và suy nghĩ lịch sử một cách thật sự khoa học, khách quan, chân thật.

Tạ Chí Ðại Trường quê ở Bình Ðịnh nhưng được sinh ra ở Nha Trang, đi học tại Bình Ðịnh, Nha Trang và học Đại học ở Sài Gòn. Ông tốt nghiệp Cao học sử Ðại học Văn Khoa Sài Gòn năm 1964. Ông gia nhập quân ngũ từ 1964-1974.

Năm 1974 Ông giải ngũ trở về đăng ký học tiến sĩ chuyên khoa Sử học tại Ðại học Văn Khoa Sài Gòn. Năm 1970, Ông đã nhận được Giải thường Văn chương toàn quốc, Bộ môn Sử. Từ tháng 8-1994 Ông qua Mỹ sống tại Oklahoma City. Đến năm 2002, Ông đã nghỉ hưu và hiện tại Ông đang sống ở Garden Grove City, California, USA.

Tác phẩm đầu tiên của ông, Lịch sử nội chiến Việt Nam từ năm 1771 đến năm 1802 ra mắt năm 1960 đã ngay lập tức thu hút nhiều sự chú ý, gây tranh luận, càng về sau tác phẩm càng được khẳng định giá trị ở cả trong và ngoài nước; và được tái bản rất nhiều lần, đặc biệt được tái bản hai lần ở NXB Công an nhân dân và NXB Tri thức (cùng Công ty sách Nhã Nam). Tác phẩm có thể nói đã mở ra một cách viết lịch sử mới, trung thực, đặc biệt sinh động. Và cũng từ đó cho ta những suy ngẫm sâu xa về lịch sử Việt Nam nói chung, về dân tộc và đất nước.

Một tác phẩm khác của Tạ Chí Đại Trường cũng được đặc biệt đánh giá cao, được tái bản nhiều lần trong và ngoài nước (sau năm 1975) là cuốn Thần, Người, và Đất Việt.Ông đã tiếp tục mang đến cho công chúng một cách nhìn lịch sử sâu sắc khoa học và độc đáo: lịch sử qua các thần tích. Xin trích sau đây một bình luận về vấn đề này: “Người ta đã đi từ sự quá đà coi thần tích như là hiện thân toàn vẹn của lịch sử, đến sự quá đà khác là bác bỏ hoàn toàn hay ít ra cũng đi đến hoài nghi sâu đậm. Thần tích xuất hiện qua những giai đoạn khác nhau phản ánh tâm tư của con người thời đại, níu kéo trên bước chân của mình những sự kiện xảy ra trong thời gian đó; nói cách khác, một chuỗi thần tích nối tiếp nhau về một nhân vật, nếu được đặt kề nhau, sẽ làm nổi lên dấu vết lịch sử cấu thành hình ảnh nhân vật đó”.

… (Chẳng hạn) sự lý giải về tập hợp truyện tích Hùng Vương. Một lý tính khoa học không cho phép chúng tôi tin thời đại Hùng Vương là sự thật lịch sử. Tác giả Thần, người và đất Việt cung cấp một lý giải hiển nhiên đúng đắn: Hùng Vương là “hồi quang của lịch sử vọng vào dân chúng kết tập thành ý thức”. Các tác phẩm khác của Tạ Chí Đại Trường, như Những bài văn sử, Những bài dã sử Việt, Việt Nam nhìn từ bên trong,Sử Việt đọc vài quyển, Bài sử khác cho Viêt Nam, Người lính thuộc địa Nam Kì (1861-1945) … mỗi quyển đều là một phát hiện, một cách nhìn và góc nhìn, một đóng góp độc đáo, đặc sắc, không chỉ cho việc tìm hiểu lịch sử nước nhà, mà theo một cách nào đó, cho cả khoa học lịch sử.

Một nét đặc biệt khác: Tạ Chí Đại Trường còn là một ngòi bút thực thụ. Mỗi tác phẩm lịch sử của ông đều thật sự là một tác phẩm văn học đáng giá.

Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh hân hạnh được trao Giải Nghiên cứu đến Nhà nghiên cứu Sử học Tạ Chí Đại Trường vì những đóng góp độc đáo và mới mẻ của Ông trong Nghiên cứu Sử học.