DIỄN TỪ NHẬN GIẢI VIỆT NAM HỌC

PAVEL VLADIMIROVICH POZNER

Kính thưa bà Nguyễn Thị Bình, kính thưa các đồng nghiệp và các bạn!

Trước hết, tôi xin chân thành cảm ơn Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đã đánh giá các sự đóng góp của tôi vào việc nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam. Thật lòng, tôi hết sức ngạc nhiên khi ông Phạm Vĩnh Cư cho tôi biết rằng tôi được trao giải thưởng của Quỹ. Tôi luôn nghĩ, trong ngành Việt Nam học có khá nhiều người đã đạt được những thành tích lớn hơn tôi.

Bây giờ, sau những lời cảm ơn ngắn ngủi này, tôi xin phép kể với quý vị tôi đã đến với Việt Nam học như thế nào. Nếu xuất phát từ tiểu sử của tôi thì điều đó quá lạ lùng. Có thể, trong quý vị có người biết rằng tôi sinh 19 tháng 4 năm 1945 ở thành phố New York (Mỹ). Lý do là gia đình tôi đã từ Liên Xô ra nước ngoài vào năm 1922, lúc đầu sang Đức, rồi sang Pháp. Ở Pháp bố mẹ tôi lấy nhau. Anh tôi tên là Vladimir sinh ra ở Paris vào năm 1934. Năm 1940 sau khi Pháp bị thất bại trong chiến tranh với Đức, gia đình tôi sang Mỹ, nơi tôi sinh ra. Tuy chúng tôi sống ở Mỹ khá tốt nhưng cuối năm 1948 gia đình tôi quay lại Đức - chúng tôi sống ở khu vực do Liên Xô kiểm soát - còn tháng 12 năm 1952 thì sang Moscow. Vì sao gia đình tôi đã từ Mỹ sang Liên Xô là chuyện khác, không liên quan gì đến đề tài của lời phát biểu tôi.

Suốt đời cả bố và mẹ tôi làm việc trong ngành điện ảnh. Bố tôi là giám đốc sản xuất phim rất nổi tiếng ở Pháp, Mỹ và Liên Xô. Anh tôi đã trở thành nhà báo, một trong những nhà báo Nga nổi tiếng nhất thế giới. Ở nhà, mọi người trong gia đình tôi chỉ nói tiếng Pháp vì mẹ tôi nói tiếng Nga hơi kém. Từ nhỏ tôi luôn luôn tiếp xúc với những người làm công tác sáng tác - những nhà đạo diễn, diễn viên, nhà văn, v.v. Cho nên ý muốn của tôi trở thành nhà đạo diễn là rất tự nhiên. Nhưng muốn trở thành đạo diễn, biết tiếng Pháp giỏi và đọc nhiều sách không đủ. Ít nhất phải vào Trường Điện ảnh (tức Trường Đại học Điện ảnh Quốc gia toàn Liên Xô). Điều đó thì không dễ dàng. Nhất là vì tôi học ở trường phổ thông rất kém. Không phải vì không có năng khiếu mà vì quá lười. Cho nên tôi đã thi hỏng và đi bộ đội. Tôi xin nói thêm, thời ấy con trai của những gia đình như gia đình tôi ít khi phải đi bộ đội. Tôi phục vụ ở một đơn vị khá xa Moscow, gần thành phố Sverdlovsk (vùng núi Uran). Đó là quyết định của bố tôi muốn tôi “nên người”. Phải nói rằng những năm ấy thanh niên phải phục vụ trong lục quân những ba năm. Sau ba năm, vào tháng 10 năm 1967 tôi trở về Moscow và bắt đầu chuẩn bị thi vào đại học nhưng không phải vào Trường Điện ảnh. Tôi vẫn ước trở thành nhà đạo diễn. Nhưng không hiểu vì sao lại quyết định rằng trước khi học nghề này phải có một nghề khác để biết cuộc sống tốt hơn. Tôi không quan tâm đến kỹ thuật và các môn học tự nhiên. Còn nếu nói về các môn học nhân văn thì tốt nhất là phải vào Trường Đại học Tổng hợp mang tên Lomonosov. May cho tôi, lúc đó tôi biết được về Trường Đại học các ngôn ngữ phương Đông (nay là Học viện các nước Á-Phi) thuộc trường Lomonosov. Được học ở trường nổi tiếng này, hơn nữa là biết được một hoặc hai tiếng phương Đông, thật là không có gì tốt hơn! Ba năm trong quân đội đã dạy tôi một bài học rất quý báu. Kết quả là tôi trở thành sinh viên của một trong những trường đại học danh giá nhất ở Liên Xô. Đó là bước đầu tiên của tôi đến với ngành Việt Nam học.

Thế nhưng khi vào Trường các ngôn ngữ phương Đông tôi chưa nghĩ về Việt Nam. Lúc đó tôi biết gì về đất nước này? Tất nhiên tôi nghe nói về thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, về chiến tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam chống Mỹ, v.v. Nhưng đó chỉ là những câu sáo tuyên truyền thôi. Nước mà tôi mơ ước là Nhật Bản. Tuy tôi cũng chỉ biết về nước này nhờ xe ô-tô, máy ghi âm, Ti vi và phim truyện, nhất là phim lịch sử về giới võ sĩ với tập quán và lễ nghi của họ. Nhưng tôi đã không gặp may. Muốn học tiếng Nhật, khi vào trường phải thi tiếng Anh, tôi thì lại thi tiếng Pháp. Như vậy tôi đã đi ngược với các thể lệ của trường, mặc dù tôi cũng biết cả tiếng Anh. Cho nên tôi chỉ có thể chọn giữa những thứ tiếng đi đôi với tiếng Pháp. Đó là tiếng A-rập, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, tiếng Khơ-me và tiếng Việt. Còn về tiếng Nhật, trưởng ban giáo vụ nói với tôi rằng nếu tôi chọn tiếng Việt thì từ năm thứ ba tôi sẽ có thể học thêm tiếng ấy như ngoại ngữ phương Đông thứ hai. Theo thường lệ, ngoại ngữ thứ hai đi đôi với tiếng Việt là tiếng Khơ-me nhưng vì Việt Nam và Nhật Bản cùng ở một khu vực văn hóa cho nên người ta sẽ cho phép tôi học tiếng Nhật. Chỉ có một điều kiện là tôi phải học giỏi. Thế là tôi chọn tiếng Việt. Đó là bước thứ hai của tôi đến ngành Việt Nam học.

Tôi dám nghĩ là trước tôi, cũng như sau tôi, không có một người giải ngũ nào học giỏi như tôi. Cho nên sau năm thứ hai trưởng ban giáo vụ đã gọi tôi và hỏi: “Em vẫn muốn ghi tên vào lớp tiếng Nhật chứ?” Câu trả lời của tôi làm cho ông ấy rất ngạc nhiên: “Không. Em muốn học chữ Hán.” Tại sao tôi đã nghĩ lại? Tại vì năm thứ nhất và năm thứ hai thầy giáo dạy lịch sử cổ và trung đại của Việt Nam cho chúng tôi kà giáo sư Đêga Vitaliêvich Đêôpíc. Chắc là ở đây có nhiều người quen ông ấy, ít nhất là nghe nói về ông. Thầy Đêôpíc là giáo viên thật xuất sắc. Ông ấy đã lôi cuốn bao nhiêu là sinh viên vào thế giới của lịch sử Việt Nam. Đó là bước thứ ba - có lẽ là bước quyết định - của tôi đến với ngành Việt Nam học.

Nhưng tôi vẫn còn muốn trở thành đạo diễn điện ảnh. Tôi học rất dễ dàng cho nên có nhiều thời gian rỗi. Thời gian đó tôi dành để hướng dẫn nhóm sân khấu của sinh viên và để đóng vai trong nhiều vở diễn của nhóm này. Ngoài ra, tôi còn làm việc dịch đuổi từ tiếng Pháp tại các Đại hội liên hoan điện ảnh Moscow và tiếp xúc nhiều với các bạn trong giới nghệ thuật. Sau khi tốt nghiệp đại học với bằng hạng ưu, vào năm 1973 tôi bắt đầu làm việc ở Viện phương Đông học thuộc Viện Hàn lâm Liên Xô. Đơn giản là vì trước khi vào học điện ảnh tôi phải đi làm ở đâu đó. Tôi quyết định tranh thủ thời gian ấy để viết luận án Phó Tiến sĩ. Và năm 1976 tôi bảo vệ thành công luận án “Việt Nam thời cổ đại. Những vấn đề chép sử biên niên”. Vào năm 1980 luận án đó được xuất bản thành sách. Trong bốn năm giữa hai mốc đó đã xảy ra hai sự kiện quyết định cuộc sống sau này của tôi.

Thứ nhất, năm 1978 tôi được sang Pháp lần đầu tiên (trước đó tôi không được phép ra nước ngoài). Ở Pháp tôi làm quen với Giáo sư Pierre-Bernard Lafont và những người trong ê-kíp của ông ấy: ông Nguyễn Thế Anh, bà Nikole Louis-Hénard, v.v. Tôi rất ngạc nhiên khi biết được rằng ông Léon Vandermeersch vẫn còn sống và tương đối “trẻ”, mặc dù ông đã từng làm việc với hai nhà khoa học hết sức nổi tiếng là Henri Maspéro và Léonard Aurousseau. Dĩ nhiên, tôi cũng làm quen với ông Vandermeersch và nhiều nhà Việt Nam học khác ở Pháp. Điều làm cho tôi vô cùng sung sướng là họ đã đánh giá khá cao công trình khoa học của tôi.

Thứ hai, năm 1979 tôi được sang Việt Nam. Trước khi đi, tôi nghe nói nhiều rằng ở Việt Nam, muốn làm gì cũng phải xin phép, rằng chương trình đã được thỏa thuận không thể thay đổi, rằng các cơ quan đặc nhiệm của Việt Nam nhất định thông báo cho Đại sứ quán Liên Xô biết về mọi hành vi tự tiện của người Liên Xô. Nhưng hóa ra, những câu chuyện đó đều không đúng. Sau ba ngày đầu, phía Việt Nam đã thay đổi hẳn chương trình của tôi. Nhờ đó, tôi được đi từ Bắc chí Nam. Và cũng nhờ đó, tôi biết trước lộ trình của tôi khi lại sang Việt Nam vào tháng Ba-tháng Tư năm 2011.

Sau chuyến đi Việt Nam lần ấy tôi đã trở thành nhà Việt Nam học. Nhưng cũng từ thời gian đó tôi bắt đầu gặp khó khăn trong nghề nghiệp. Tôi không muốn nói nhiều về vấn đề này. Tôi chỉ muốn nói rằng những khó khăn đó có liên quan đến quan hệ cá nhân chứ không phải đến chính quyền Xô-viết. Kết quả là tôi bị cấm sang Việt Nam. Thời gian tôi không được đi Việt Nam kéo dài đến tháng 3 năm 2011. Tôi thấy thật xấu hổ, nhưng không thể không nói, sau những năm ấy tôi không nói được tiếng Việt nữa. Cũng chuyến đi này, tôi được gặp Giáo sư Đào Duy Anh thông qua sự giới thiệu của ông Mai Chí Thọ.

Song đáng tiếc hơn nhiều là các bạn Việt Nam đã hiểu nhầm tôi. Đặc biệt sau khi tôi không sang Việt Nam theo lời mời đích danh của Chủ tịch Ủy ban Khoa học Xã hội CHXHCNVN các bạn Việt Nam không hiểu vì sao tôi có thể đi Pháp và Mỹ nhưng không thể đi Việt Nam. Lúc đó nếu tôi nói rằng bản thân Trưởng ban Đối ngoại Viện Hàn lâm Liên Xô và Trưởng ban phụ trách Việt Nam ở Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô cấm tôi đi Việt Nam thì chắc chắn là không ai tin tôi. Vì lý do đó tôi cũng không thể bảo vệ luận án tiến sĩ ở Moscow. Nhưng tôi gặp may - ông Lafont mời tôi đến bảo vệ Doctorat d’ État es-Lettres et Sciences humaines ở Paris-7. Viện sĩ E.M. Primakov ủng hộ tôi và Hội đồng xét định cấp bậc tối cao thuộc Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô cho phép tôi bảo vệ ở Pháp. Lễ bảo vệ tiến hành vào mùa xuân năm 1987, và mùa thu năm ấy học vị Pháp của tôi được công nhận ở Liên Xô. Thế là tôi đã trở thành Tiến sĩ lịch sử. Nhưng đến năm 1994 tôi mới được xuất bản luận án tiến sĩ của tôi có nhan đề “Lịch sử Việt Nam thời cổ và trung đại sơ kỳ”.

Sau đó thời đại mới đã đến. không ai có thể ngăn cản tôi nữa. Và năm 2004 tôi đã xuất bản được công trình mà tôi bắt đầu biên soạn từ năm 1980. Tôi nói về cuốn Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Quyển đầu và Tiền biên, quyển 1-5. Cuốn sách lớn ấy có cả bản chữ Hán, bản phiên âm ra chữ Quốc ngữ, bản dịch ra tiếng Việt và tiếng Nga, chú thích và các bảng chỉ dẫn khác nhau. Tôi coi đó là thắng lợi của tôi.

Kính thưa các đồng nghiệp và các bạn!

Tôi cho là mọi người có mặt ở đây thừa hiểu rằng ngành Việt Nam học ở Pháp không còn nữa từ nửa sau thế kỷ XX, tức là sau khi những người đại diện xuất sắc của nó như Maurice Durand, Đào Duy Anh và Trần Văn Giáp đã qua đời. Năm hoặc mười năm nữa ngành Việt Nam học ở Liên Xô xưa kia và Nga ngày nay cũng sẽ chết theo. Tất nhiên sẽ có người biết tiếng Việt và biết ít nhiều văn hóa Việt Nam. Nhưng họ sẽ không phải là những nhà khoa học mà chỉ là những người có nghề nghiệp gắn liền với Việt Nam (kinh doanh, ngoại giao, v.v.). May mà hiện nay, ở Pháp ít hơn, ở Nga nhiều hơn, vẫn còn những người có thể tổng quát các thành tựu của ngành Việt Nam học thế giới từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XXI. Do đó tôi đưa ra dự án biên soạn “Lịch sử Việt Nam”, gồm sáu tập. Tập thể của chúng tôi gồm có 21 người từ Pháp, Việt Nam và Nga. Điều thật đáng mừng là chúng tôi không gặp khó khăn về tài chính. Chúng tôi dự định xuất bản cả sáu tập bằng tiếng Nga vào đầu năm 2013, còn bằng tiếng Anh - vào cuối năm 2016. Ấn phẩm này sẽ đắt tiền vì chúng tôi muốn dùng loại giấy tốt, có nhiều ảnh, tranh minh họa, sơ đồ và bản đồ. Có cả bảng kê các tước vị, tên gọi đặc biệt và thuật ngữ viết bằng chữ Hán, bằng chữ Quốc ngữ và dịch ra tiếng Nga (thường thì chúng chỉ được phiên âm), v.v.

Kính thưa bà Nguyễn Thị Bình, kính thưa các đồng nghiệp và các bạn!

Trước khi kết thúc lời phát biểu, một lần nữa tôi muốn cảm ơn quý vị đã tặng tôi giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh. Tôi cũng xin nói thêm, tôi chỉ coi mình thật xứng đáng nhận được giải thưởng này sau khi bộ “Lịch sử Việt Nam” sáu tập bằng hai thứ tiếng Nga và Anh ra mắt bạn đọc.

Cảm ơn quý vị.