DIỄN TỪ NHẬN GIẢI
GIẢI VĂN HÓA PHAN CHÂU TRINH 2017
Giáo sư Trần Đình Sử
(Giải Nghiên cứu)
 

 

Kính thưa…

Hôm nay, tôi vô cùng xúc động và vinh dự được nhận Giải thưởng văn hoá Phan Châu Trinh ở hạng mục nghiên cứu của của Quỹ văn hoá Phan Châu Trinh vì những đóng góp to lớn và lâu dài trong lĩnh vực văn học. Sự kiện này thể hiện sự gặp gỡ tri âm giữa các hoạt động nghiên cứu của tôi với phương hướng bồi bổ dân trí, chấn hưng dân khí theo gương nhà chí sĩ lỗi lạc của dân tộc Phan Châu Trinh, mà các nhà lãnh đạo Quỹ chủ trương. Nhân dịp này tôi xin phép bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với quý vị trong Hội đồng khoa học của Quỹ, những người đã hào hiệp dành cho tôi vinh dự to lớn này.

Kính thưa quý vị,

Nhân đây, cho phép tôi được chia sẻ đôi điều về hoạt động nghiên cứu của mình. Tôi là một giảng viên đại học, bắt đầu giảng dạy bộ môn lí luận văn học ở đại học sư phạm từ giữa những năm sáu mươi thế kỉ trước. Trong khi dạy, tôi dần dần nhận thấy tính chất công thức, sơ lược của lí thuyết theo quan điểm mĩ học Mác – Lênin thời ấy, chủ yếu dạy về quan điểm triết học và chính trị, không giúp nhiều cho người học thấy được đặc trưng, sự phong phú, vẻ đẹp cũng như giá trị văn hoá của sáng tác văn học. Nhờ tự học tiếng Nga và đọc các sách báo Nga hồi ấy, tôi thấy giới trí thức Liên xô vào thời “tan băng” đã có một bộ phận đi tìm những con đường tiếp cận mới, trong đó có thi pháp học. Các sách về phương diện này trước đó bị ngăn cấm, lúc bấy giờ đã lần lượt được in lại. Trên các tạp chí khoa học luôn có mục thi pháp, đăng tải các lí thuyết và tìm tòi mới. Do nghiên cứu lí thuyết bị cầm đoán, các nhà khoa học Nga đi vào nghiên cứu, phân tích tác phẩm, theo hướng thi pháp văn học với các tên tuổi lớn như M. Bakhtin, D. Li khachev, V. Shklovski, V. Girmunski…, cùng các nhà nghiên cứu trẻ ở Viện văn học thế giới như G. Gachev và các tác giả khác. Thi pháp học nhấn mạnh đến nguyên tắc sáng tạo văn học lạ hoá và hư cấu, tạo ra một chỉnh thể có tính kí hiệu. Nó nghiên cứu thi pháp như hệ thống các phương thức, phương tiện tạo nên tác phẩm nghệ thuật, khẳng định tính quan niệm, tính chủ thể của sáng tác, nhận rõ sự khác biệt giữa hình tượng nghệ thuật với các hình ảnh sao chép giản đơn từ thực tế, từ đó chỉ ra nội dung, tính sáng tạo và cá tính của nghệ sĩ. Như thế thi pháp học góp phần khắc phục quan niệm phản ánh giản đơn và xã hội học dung tục, xác nhận tính chủ thể của nhà văn. Và nhờ thế, thi pháp học được đón nhận rộng rãi.

Nhưng thi pháp hoàn toàn không phải là lĩnh vực của hình thức văn học thuần tuý như một số người nghĩ, mà nó còn là lĩnh vực của văn hoá văn học, của hình thức tư duy thẩm mĩ, một bộ phận của văn hoá dân tộc. Nghiên cứu thi pháp chính là nghiên cứu văn hoá sáng tạo của văn học. Chỉ đến một giai đoạn nào đó của sự phát triển thì mới xuất hiện các hình thức nghệ thuật nào đó.

Thi pháp học là một hướng nghiên cứu mở, nó có thể dung nạp nhiều cách tiếp cận khác nhau như chủ nghĩa cấu trúc, tự sự học, phân tâm học, kí hiệu học, nữ quyền luận, diễn ngôn học, xã hội học…Do đó mở rộng nghiên cứu các lí thuyết đó thì nghiên cứu thi pháp càng có thêm hiệu quả. Sau năm 90, song song với quá trình hội nhập, chúng ta tiếp thu thêm nhiều lí thuyết của phương Tây, việc ứng dụng thi pháp học đã đi vào chiều sâu. Nhiều công trình có thể không nêu tên thi pháp song thi pháp với tư cách là hệ thao tác nghiên cứu vẫn không bao giờ vắng mặt.

Nghiên cứu thi pháp ở Việt Nam không tránh khỏi phải đối mặt với những định kiến lâu đời. Nào là “chủ nghĩa hình thức”, nào là “sùng ngoại”, nào là “xa rời bản sắc dân tộc” vân vân. Nhưng chúng tôi đề cao tính quan niệm của sáng tác, cho nên khó bề quy kết là chủ nghĩa hình thức, còn sùng ngoại ngày nay, trong ý nghĩa đúng đắn, chính là sùng tiến bộ, sùng văn minh, sùng khoa học, cũng không thể bác bỏ. Chúng tôi lại dùng lí thuyết hiện đại để nghiên cứu văn học, văn hoá nước nhà, không thể nói là xa rời thực tiễn văn học Việt Nam được. Vì thế thi pháp học là hướng nghiên cứu không thể bị phủ định.

Bên cạnh dạy học lí luận văn học ở đại học, chúng tôi còn biên soạn chương trình và sách giáo khoa môn ngữ văn trung học phổ thông, trong đó chủ yếu là làm văn và đọc hiểu văn học. Chúng tôi nhận thấy cần thay đổi lối giảng văn cũ kĩ chủ yếu là dạy đọc chép. Trong đọc văn, chúng tôi khắc phục cách hiểu môn văn hẹp hòi chỉ là đọc các áng văn, thơ. Chúng tôi đề xuất cách hiểu văn nghĩa rộng, ngoài văn thơ là chính, học sinh còn đọc các văn bản có tính chất văn hiến, như cáo, chiếu, biểu, hịch, văn tế, các trích đoạn lịch sử, bình sử, các văn bản truyền bá khoa học nhân văn và khoa học tự nhiên, văn bản báo chí. Bằng cách đó học sinh biết tiếp cận với các loại văn bản có nội hàm văn hoá của dân tộc để sau khi tốt nghiệp học sinh không xa lạ với văn hoá nước nhà và khoa học hiện đại. Chỉ tiếc là bộ môn giáo học pháp trong nhà trường còn quá cũ kĩ, chưa đáp ứng tư tưởng mới và chương trình con nặng nề. Để khắc phục sự cũ kĩ này, chúng tôi đã giới thiệu những cách tiếp cận mới như đọc hiểu văn học, các hình thức làm văn mới như biểu cảm, văn thuyết minh, nguyên tắc dạy học mới trên cơ sở lây học sinh làm trung tâm, phát triển cá tính của học sinh. Theo chúng tôi, dạy học văn học trong nhà trường không thể xa rời với văn hoá đọc.

Trong đời sống văn học hôm nay, chúng ta ngày càng hiểu rõ hơn, lí luận văn học chính thống một thời ở Việt Nam bị chính trị hoá, ít tính chất học thuật. Sự đổi mới lí thuyết văn học thực ra chỉ mới bắt đầu. Hành trình này con gian nan, thể hiện ở chỗ các giáo trình lí luận văn học ở bậc đại học hiện nay, mặc dù được chúng tôi bổ sung, sửa sang từ giữa những năm 80, đưa vào nhiều nội dung mới,  song hình hài lí luận Liên Xô ngày trước vẫn con nguyên. Phải có một sự thay đổi căn bản nữa thì mới có được một chương trình lí luận văn học bậc đại học thực sự khoa học, hiện đại, hấp thu được các tinh hoa lí thuyết của nhân loại ngày nay, và đào tạo các thế hệ sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ bắt kịp trình độ của các nước tiên tiến. Đó là một công việc rất khó khăn, đòi hỏi không chi rất nhiều tri thức chuyên môn hiện đại, mà còn đói hỏi hiểu biết văn hoá rộng. Chính vì thế mà chúng tôi ngày càng tìm hiểu thêm nhiều lĩnh vực tri thức mà ngày trước  và cho đến nay vẫn chưa được quan tâm nhiều ở Việt Nam, như lí thuyết tiếp nhận, diễn ngôn, kí hiệu học, hiện tượng luận,.. Dĩ nhiên là sự nghiệp này còn để ngỏ dành cho thế hệ trẻ.

Kính thưa quý vị. Trên đây là mấy điều chia sẻ về hoạt động nghiên cứu của chúng tôi với tư cách là một giảng viên, một nhà nghiên cứu văn học và văn hoá. Chúng tôi vui mừng vì hoạt động ấy đã có sức lan toả và đã được các vị trong Hội đồng khoa học của Quỹ văn hoá Phan Châu Trinh biết đến và tỏ lòng khích lệ. Sự quan tâm của Quỹ là một sự động viên mạnh mẽ. Chúng tôi một lần nữa bày tỏ lòng tri ân, cảm tạ đối với Hội đồng khoa học của gỉải, của Quỹ văn hoá Phan Châu Trinh đã đem đến cho tôi niềm vinh dự,  coi đây như là khích lệ chung cho tất cả những ai góp phần đổi mới lí thuyết văn học và dạy học ngữ văn của nước nhà.

Xin đa tạ quý vị.