TỦ SÁCH TINH HOA THẾ GIỚI

I. THÔNG SỐ SÁCH

Tên sách: Nguồn gốc các loài - Qua con đường chọn lọc tự nhiên hay sự bảo tồn những chủng ưu thế trong đấu tranh sinh tồn

Tác giả: Charles Darwin

Dịch giả: Trần Bá Tín

Thẩm định thuật ngữ: Nguyễn Duy Long

Khổ sách: 16x24cm

Số trang: 496 trang

Giá bìa: 119.000 VNĐ

Loại bìa: Bìa mềm, tay gập

Tủ sách: Tinh hoa

Năm xuất bản: 2009

Tái bản lần 1: 2011

Tái bản lần 2: 9/2012

II. GIỚI THIỆU SÁCH

1. Đôi dòng về tác giả:

Charles Robert Darwin (1809-1882) là một nhà nghiên cứu nổi tiếng trong lĩnh vực tự nhiên học Ông là người đã phát hiện và chứng minh rằng mọi loài đều tiến hóa theo thời gian từ những tổ tiên chung qua quá trình chọn lọc tự nhiên. Nếu như sự tiến hóa được cộng đồng các nhà khoa học và công chúng chấp nhận ở thời đại Darwin, thì lý thuyết chọn lọc của ông trong những năm 1930 được xem như lời giải thích chính yếu cho quá trình này, và ngày nay đã trở thành nền tảng cho lý thuyết tiến hóa hiện đại. Khám phá của Darwin là lý thuyết thống nhất cho các ngành khoa học sinh vật vì có thể đưa ra lời giải thích duy lý cho sự đa dạng loài.

2. Về tác phẩm:

Nguồn gốc các loài là tên rút gọn của cuốn sách Về nguồn gốc các loài qua con đường chọn lọc tự nhiên, hay sự bảo tồn những chủng ưu thế trong đấu tranh sinh tồn (của Charles Darwin, xuất bản năm 1859). Đây là một cuốn sách khoa học hiếm có khi bán hết 1250 bản in lần đầu trong vòng một ngày và trong một thời gian ngắn đã làm “rung chuyển” cả thế giới. Cuốn sách này là kết quả của những quan sát của Darwin trong chuyến đi gần 5 năm, từ 1831 đến 1836, trên con tàu biển Beagle vòng quanh thế giới, cùng với những suy tư và nghiên cứu của ông trong hai mươi năm sau đó, trong đó ông đặt vấn đề có tính quyết định về biến đổi luận hay sự tiến hóa. Sách của ông đã được xuất bản nhiều lần, sửa đổi, liên tục cập nhật cho đến khi ông mất.

III. MỤC LỤC

Thay lời nhà xuất bản

Lời người dịch

200 năm Darwin, 150 năm Nguồn gốc các loài: “Tiến hóa” như một sơ đồ lý giải

Dẫn nhập

Chương I: Biến đổi thuần hoá 

Những nguyên nhân biến đổi - Ảnh hưởng của thói quen - Tương quan của tăng trưởng - Tính thừa kế - Đặc tính của biến chủng thuần hoá - Khó khăn trong phân biệt giữa biến chủng và loài - Nguồn gốc của những biến chủng thuần hoá từ một hay nhiều loài - Bồ câu nhà, sự khác biệt và nguồn gốc của chúng - Nguyên lý của sự chọn lọc đã có từ xưa, những tác dụng của nó - Chọn lọc vô thức và chọn lọc hệ thống - Nguồn gốc chưa biết của một số sản phẩm thuần hoá - Những hoàn cảnh thuận lợi cho sự chọn lọc nhân tạo.

Chương II: Biến đổi tự nhiên

Tính biến đổi - Sự khác biệt của các cá thể - Những loài còn hồ nghi - Những loài phân bố trải rộng, phân tán và thường gặp biến đổi nhiều nhất - Những loài thuộc những giống quy mô hơn trong một vùng thì thường biến đổi hơn so với những loài thuộc những giống nghèo nàn hơn - Nhiều loài thuộc những giống quy mô hơn có những biến chủng tương tự nhau ở chỗ có quan hệ rất gần gũi với nhau nhưng không bằng nhau và ở chỗ phân bố hạn chế.

Chương III: Đấu tranh sinh tồn

Dựa trên chọn lọc tự nhiên - Thuật ngữ được hiểu theo nghĩa rộng - Tăng theo cấp số nhân - Sự tăng nhanh của những động vật và thực vật hợp thuỷ thổ - Bản chất của những việc kiểm soát sự gia tăng - Sự cạnh tranh có tính phổ biến - Những ảnh hưởng của khí hậu - Bảo vệ số lượng cá thể - Mối quan hệ phức tạp của động vật và thực vật trong tự nhiên - Cuộc đấu tranh sinh tồn ác liệt nhất giữa những cá thể và các biến chủng trong cùng một loài; thường ác liệt giữa những loài trong cùng một giống - Mối quan hệ giữa các sinh vật với nhau là mối quan hệ quan trọng nhất trong mọi mối quan hệ.

Chương IV: Chọn lọc tự nhiên

Chọn lọc tự nhiên - sức mạnh của chọn lọc tự nhiên so với chọn lọc nhân tạo - sức mạnh đối với những tính trạng không quan trọng - sức mạnh ở mọi lứa tuổi và trên giới tính - Sự chọn lọc giới tính - Về tính phổ quát của sự giao phối giữa các cá thể trong cùng một loài - Những hoàn cảnh thuận lợi và bất lợi đến kết quả trong chọn lọc tự nhiên như giao phối chéo, cách ly, số lượng cá thể - Hoạt động tiệm tiến - Sự tuyệt chủng do chọn lọc tự nhiên gây ra - Sự phân ly tính trạng liên quan đến sự đa dạng của cư dân sống ở bất kỳ khu vực giới hạn nào và liên quan đến quá trình tự nhiên hoá - Tác dụng của chọn lọc tự nhiên, thông qua sự phân ly tính trạng và sự tuyệt chủng lên hậu duệ từ một tổ tiên chung - Giải thích về sự phân nhóm.

Chương V: Quy luật biến đổi

Ảnh hưởng của điều kiện bên ngoài - Việc sử dụng hay không sử dụng, kết hợp với chọn lọc tự nhiên; bộ cánh và thị giác - Sự thích nghi với khí hậu - Sự tương quan tăng trưởng - Sự bù trừ và cơ cấu của tăng trưởng - Những tương quan giả tạo - Những cấu trúc đa dạng, sơ khai và tổ chức thấp thì hay biến đổi - Những bộ phận nào phát triển theo cách không bình thường thì dễ biến đổi hơn: những tính trạng đặc hiệu thì dễ biến đổi hơn những tính trạng chung: những tính trạng sinh dục thứ phát thì dễ biến đổi - Những loài cùng một giống thì biến đổi theo cùng một kiểu - Sự trở lại những tính trạng đã mất từ lâu - Tổng kết.

Chương VI: Những khó khăn về mặt lý thuyết

Những khó khăn của lý thuyết về dòng dõi biến đổi - Sự chuyển tiếp - Tình trạng không có hoặc hiếm có những loài chuyển tiếp - Chuyển tiếp trong tập quán - Tập quán đa dạng trong cùng một loài - Loài có tập quán khác xa với những tập quán của loài họ hàng - Những cơ quan hoàn hảo tuyệt đối - Hình thức chuyển tiếp - Những trường hợp khó - Tự nhiên không tạo ra những bước nhảy vọt (Natura non facit saltum) - Những cơ quan ít quan trọng - Những cơ quan không phải lúc nào cũng hoàn hảo tuyệt đối - Học thuyết chọn lọc tự nhiên bao gồm cả quy luật đồng nhất về loại và những điều kiện tồn tại. 

Chương VII: Bản năng

Bản năng có thể so sánh với thói quen nhưng khác nhau về nguồn gốc - Bản năng đặc biệt - Rệp vừng (aphides) và kiến - Bản năng có thể biến đổi - Bản năng do thuần hoá, nguồn gốc của nó - Bản năng tự nhiên của chim cu cu, đà điểu và ong nghệ - Kiến thợ (slave-making ant) - Ong thợ, bản năng làm tổ - Những khó khăn của học thuyết chọn lọc tự nhiên về bản năng - Những côn trùng vô sinh hay vô tính - Tổng kết.

Chương VIII: Sự lai giống

Phân biệt vô sinh ở vật đem lai lần đầu (first crosses) với vô sinh ở vật lai - Vô sinh khác nhau về mức độ, không phổ biến, bị ảnh hưởng bởi việc cận giao, mất đi do thuần hoá - Quy luật chi phối sự vô sinh của vật lai - Vô sinh không phải là một khả năng thiên phú đặc biệt mà là ngẫu nhiên theo đặc trưng khác nhau - Nguyên nhân gây vô sinh ở vật đem lai lần đầu và vật lai - Mối quan hệ song song giữa tác động của điều kiện sống thay đổi và tác động của lai giống - Sinh sản ở những giống khi được lai và con cháu của nó nhưng không phải phổ biến - So sánh loài lai và giống lai, không phụ thuộc vào khả năng sinh sản của chúng - Tổng kết.

Chương IX: Nhược điểm của cứ liệu địa chất

Về việc thiếu vắng những biến thể trung gian hiện nay - Về bản chất của biến thể trung gian tuyệt chủng; về số lượng của nó - Về sự vận hành của thời gian khi suy luận từ tỉ lệ bào mòn và tỉ lệ trầm tích - Về sự nghèo nàn trong chứng cứ cổ sinh vật học - Về tính gián đoạn trong quá trình hình thành địa chất - Về việc thiếu vắng những biến thể trung gian trong bất kỳ một lớp địa tầng[1] nào - Về sự xuất hiện đột ngột của một số loài - Về sự xuất hiện đột ngột của chúng trong những lớp hoá thạch nằm thấp nhất.

Chương X: Sự tiếp biến về mặt địa chất của các sinh thể

Về sự xuất hiện tiệm tiến và kế thừa của các loài mới - Về tốc độ biến đổi khác nhau của chúng. Loài một khi biến mất sẽ không xuất hiện trở lại - Nhóm loài tuân theo những quy luật chung về sự xuất hiện và sự biến mất như một loài duy nhất - Về sự tuyệt chủng - Về những thay đổi đồng thời của những hình thái sự sống ở khắp thế giới - Về mối quan hệ giữa những loài tuyệt chủng với nhau và với những loài đang tồn tại - Về sự phát triển của những hình thái sự sống cổ xưa - Về sự kế tiếp nhau của cùng một hình thái trên cùng một vùng - Tổng kết những chương trước và chương này.

Chương XI: Phân bố địa lý

Không thể lấy sự khác nhau về điều kiện vật lý để giải thích sự phân bố hiện tại - Tầm quan trọng của các giới hạn - Mối quan hệ của các sinh vật trong cùng lục địa - Những trung tâm của sự tạo thành - Phương tiện phát tán do thay đổi khí hậu, độ cao của mặt đất, và các phương tiện ngẫu nhiên - Phát tán trong kỷ Băng hà với quy mô trên toàn thế giới.

Chương XII: Phân bố địa lý (tiếp theo)

Phân bố các sinh vật nước ngọt - các sinh vật trên đảo ở đại dương - Thiếu vắng ếch nhái và động vật có vú trên cạn - Về mối quan hệ các sinh vật trên đảo với những vùng lục địa lân cận - Về sự thực địa hoá từ nguồn gần nhất với sự biến đổi sau đó - Tổng kết những chương cuối và chương này.

Chương XIII: Mối quan hệ qua lại giữa các sinh thể: Hình thái học: Phôi thai học: những cơ quan sơ khai

PHÂN LOẠI, những nhóm phụ so với nhóm - Hệ thống tự nhiên - Những quy luật và những khó khăn trong phân loại, giải thích về thuyết nguồn gốc có biến đổi - Phân loại biến chủng - Nguồn gốc thường được dùng trong phân loại - Những tính trạng thích nghi hoặc tương đồng - Những mối quan hệ chung, phức tạp, và phân tán - Sự tuyệt chủng riêng biệt và loài xác định - HÌNH THÁI HỌC, giữa những cá thể cùng lớp, giữa những bộ phận trên cùng cơ thể - PHÔI SINH HỌC, quy luật của nó, được giải thích bằng những biến thể không xảy ra ở giai đoạn sớm và được di truyền ở độ tuổi tương ứng - NHỮNG CƠ QUAN SƠ KHAI; giải thích về nguồn gốc của nó - Tổng kết.

Chương XIV: Tóm tắt và kết luận

Tóm tắt những khó khăn trong học thuyết chọn lọc tự nhiên - Tóm tắt những trường hợp tổng quát và cụ thể ủng hộ cho học thuyết chọn lọc tự nhiên - Nguyên nhân của niềm tin chung về tính bất biến của loài - Học thuyết chọn lọc tự nhiên có thể mở rộng đến đâu - Tác động của việc áp dụng học thuyết chọn lọc tự nhiên trong nghiên cứu lịch sử tự nhiên - Kết luận.

PhỤ lục 1. Bản tóm tắt lịch sử quá trình nhận thức về nguồn gốc các loài

Phụ lục 2. Lời giới thiệu của Ngài Julian Huxley[2]

Bảng chỉ dẫn

IV. TRÍCH SÁCH

“Chúng ta vẫn còn biết ít về mối quan hệ qua lại của vô số cá thể trên thế giới trong suốt nhiều giai đoạn địa chất đã qua. Mặc dù còn nhiều điều mơ hồ và sẽ còn mơ hồ lâu dài nữa, nhưng tôi vẫn tán thành một cách chắc chắn là, sau khi nghiên cứu thận trọng và phán xét vô tư những việc mà tôi có thể làm được, quan điểm, mà hầu hết các nhà tự nhiên học đều tán thành cũng như tôi trước đây đã tán thành – cho rằng các loài được sáng tạo ra một cách độc lập – là sai lầm. Tôi hoàn toàn tin chắc rằng các loài không phải là bất biến; nhưng những loài thuộc vầ cái được gọi là các chủng giống nhau là những hậu duệ trực hệ của những loài khác đã tuyệt chủng hoàn toàn, cũng tương tự như là những biến chủng đã được công nhận của bất cứ loài nào là hậu duệ của những loài đó. Hơn nữa, tôi tin chắc rằng Chọn lọc Tự nhiên là nguyên nhân chính nhưng không phải là nguyên nhân duy nhất của sự biến đổi.”

(Trích Dẫn nhập, Nguồn gốc các loài, tái bản lần thứ nhất, NXB Tri thức, 2011)

[1] Địa tầng (formation). Formation địa chất học là một đơn vị địa chất học chính thức. Formation là đơn vị địa tầng thạch học, khái niệm các lớp là trung tâm của việc mô tả các lớp địa tầng. Khái niệm formation địa chất được các nhà địa chất học và các nhà địa tầng học sử dụng vào thế kỷ 17 và 18.

[2] Ngài Julian Sorell Huxley (1887-1975), con trai của Thomas Henry Huxley (1825-1895), nhà sinh vật học, người Anh.

NHỮNG CUỐN SÁCH KHÁC TRONG TỦ SÁCH TINH HOA THẾ GIỚIXem tất cả >>