Ra đời từ năm 2006, chính thức hoạt động kể từ năm 2007, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh là một quỹ xã hội, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, trên nguyên tắc độc lập, tự chủ, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam.
Sứ mệnh của Quỹ
Tại cuộc họp ngày 23/3/2014, Hội đồng Quản lý Quỹ đã chính thức đưa ra tuyên ngôn sứ mệnh mới của Quỹ là:
“Góp phần phục hưng, du nhập, khởi phát, gìn giữ và lan tỏa những giá trị tinh hoa văn hóa nhằm phục vụ công cuộc canh tân văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 21”.
Hoạt động của Quỹ
Và để hiện thực hóa sứ mệnh này, hoạt động chính của Quỹ bao gồm 6 mảng sau:
(1) Dự án “Tủ sách Tinh hoa Thế giới”
(2) Dự án “Dự án Tôn vinh Danh nhân Văn hóa Việt Nam thời Hiện đại”
(3) Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh thường niên
(4) Giải thưởng Sách Hay thường niên (Do Viện IRED và Quỹ đồng tổ chức)
(5) Hoạt động Đào tạo & Nghiên cứu
(6) Hoạt động Hội thảo & Tọa đàm
Hội đồng Quản lý Quỹ (HĐQL) bao gồm 5 thành viên:
- Bà Nguyễn Thị Bình - Chủ tịch HĐQL (nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam)
- GS.TS. Chu Hảo - Phó Chủ tịch HĐQL
- Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung - Phó Chủ tịch HĐQL
- Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyên Ngọc - Ủy viên HĐQL Quỹ
- Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn - Ủy viên HĐQL
Hội đồng Khoa học Quỹ (HĐKH) bao gồm 11 thành viên:
- Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyên Ngọc - Chủ tịch HĐKH
- GS.TS. Nguyễn Trọng Chuẩn - Phó Chủ tịch HĐKH
- Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn - Ủy viên HĐKH
- GS.TS. Huỳnh Như Phương - Ủy viên HĐKH
- GS.TS. Nguyễn Văn Trọng - Ủy viên HĐKH
- GS.TS. Lê Ngọc Trà - Ủy viên HĐKH
- GS.TS. Nguyễn Kim Sơn - Ủy viên HĐKH
- PGS.TS. Trần Hữu Quang - Ủy viên HĐKH
- Họa sỹ Lương Xuân Đoàn - Ủy viên HĐKH
- TS. Vũ Thành Tự Anh - Ủy viên HĐKH
- TS.Nguyễn Đức Thành - Ủy viên HĐKH
Lịch sử của Quỹ
- Năm 2006, Quỹ dịch thuật Phan Chu Trinh được thành lập theo QĐ số 4547 ngày 12 tháng 10 năm 2006 của UBND Thành Phố Hà Nội.
- Kể từ năm 2007, Quỹ là tập trung huy động nhân lực và kinh phí để triển khai dự án “Tủ sách Tinh hoa Tri thức Thế giới” và Tủ sách đặc biệt này của Quỹ được phát hành thông qua NXB Tri Thức.
- Năm 2007, Quỹ dịch thuật Phan Chu Trinh cũng phối hợp với Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức giải thưởng “Tinh hoa Giáo dục Quốc tế” nhằm biểu dương, khuyến khích và quảng bá các dịch phẩm xuất sắc trong lĩnh vực Giáo dục, có tác dụng lớn đối với sự nghiệp phát triển nền Giáo dục chất lượng cao của Việt Nam. Giải thưởng “Tinh hoa Giáo dục Quốc tế” lần thứ nhất (2007) đã được trao cho dịch phẩm “Phê phán Lý tính Thuần Túy” của triết gia Đức Immanuel Kant do học giả Bùi Văn Nam Sơn chuyển ngữ và được nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2004.
- Năm 2008, theo QĐ số 1063 ngày 03 tháng 10 năm 2008 của UBND Thành Phố Hà Nội, Quỹ dịch thuật Phan Châu Trinh được đổi tên thành Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh, đánh dấu sự mở rộng các hoạt động của Quỹ. Bên cạnh chương trình phát triển dịch thuật các tác phẩm thuộc dự án “Tủ sách tinh hoa tri thức thế giới”, Quỹ đã tổ chức thêm nhiều hoạt động văn hóa khác, đặc biệt là việc khuyến khích, tôn vinh các công trình nghiên cứu văn hóa đặc sắc; tổ chức đào tạo và phổ biến các giá trị văn hóa Việt Nam và thế giới. Năm 2008, bên cạnh giải thưởng “Tinh hoa giáo dục quốc tế”, Quỹ còn trao thêm hai giải thưởng khác là: “Việt Nam học” và giải "Nghiên cứu".
- Năm 2009, Quỹ có thêm giải thưởng “Dịch Thuật” dành cho những bản dịch xuất sắc của những tác phẩm tinh hoa của nhân loại. Năm 2010, giải thưởng “Tinh hoa giáo dục quốc tế” chính thức được thay thế bằng giải thưởng mang tên “Vì Sự nghiệp Văn hóa - Giáo dục”.
- Từ năm 2010 trở đi, tất cả những hạng mục giải thưởng này gọi chung là Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh, bao gồm bốn hạng mục giải thưởng cụ thể là: Giải “Dịch thuật”, Giải “Nghiên cứu”, Giải “Vì Sự nghiệp Văn hóa - Giáo dục” và “Việt Nam học”. Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh được trao vào ngày 24/3 theo thông lệ hằng năm, cũng là ngày mất của Cụ Phan Châu Trinh.
- Năm 2014, Quỹ đã bổ sung nhân sự cho cả Hội đồng Quản lý Quỹ và Hội đồng Khoa học Quỹ, điều chỉnh cấu trúc, rà soát hoạt động của Quỹ và chính thức đưa ra tuyên ngôn sứ mệnh của Quỹ. Đồng thời quyết định, Quỹ sẽ chính thức khởi xướng thêm một Dự án văn hóa đặc sắc mang tên “Dự án Tôn vinh Danh nhân Văn hóa Việt Nam thời Hiện đại” nhằm “phục hưng” những giá trị văn hóa tiến bộ của nhiều thức giả nổi bật và có nhiều ảnh hưởng đối với đời sống văn hóa và xã hội của dân tộc trong giai đoạn cận đại.
- Năm 2015, Quỹ chính thức ra mắt Dự án “Dự án Tôn vinh Danh nhân Văn hóa Việt Nam thời Hiện đại” trên website chính thức của Quỹ vào ngày 24/3/2015 với 3 danh nhân văn hóa tiêu biểu đầu tiên được tưởng nhớ, tri ân và vinh danh.
- Cũng trong năm 2015, lần đầu tiên trong hệ thống giải thưởng của Quỹ, ngoài Giải văn hóa Phan Châu Trinh, sẽ có thêm Giải thưởng Sách Hay thường niên. Giải thưởng Sách Hay thường niên do Viện Giáo Dục IRED tổ chức và điều hành từ năm 2011, nhưng kể từ năm 2015, Giải thưởng Sách Hay sẽ do Viện Giáo Dục IRED và Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đồng tổ chức.