DIỄN TỪ NHẬN GIẢI VÌ SỰ NGHIỆP VĂN HÓA - GIÁO DỤC 

Ông Thomas J. Vallely

Nhà sáng lập Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard

Chủ tịch Quỹ tín thác Đổi mới Đại học Việt Nam

 Nhân dịp nhận giải thưởng Phan Châu Trinh năm 2014

 Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

 Ngày 24 tháng 3 năm 2014

Được nhận giải thưởng Phan Châu Trinh là một niềm vinh hạnh lớn. Tôi xin cảm ơn các vị lãnh đạo của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, cảm ơn Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Nhà văn Nguyên Ngọc, và Giáo sư Chu Hảo, đã trao cho tôi vinh dự tuyệt vời mà tôi e rằng mình không xứng đáng. Nhìn ra khán phòng, tôi nhận thấy sự hiện diện của nhiều bạn bè cũ đã từng biết nhau hàng chục năm nay. Thật là một niềm vui khôn tả khi được gặp lại các bạn ở đây ngày hôm nay. Tôi cũng rất vui khi trở lại Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi vừa từ cố đô Yangon của Myanmar đến đây sáng nay. Sau hai tuần ở Myanmar, một đất nước đang phải đối mặt với vô vàn trở ngại trên con đường phát triển, tôi e rằng tôi đã đánh mất năng lực phê phán vốn có của mình đối với sự phát triển của Việt Nam.

Tôi hiểu rằng một trong những tôn chỉ của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh là phổ biến di sản trí tuệ, văn hóa và chính trị của Phan Châu Trinh, một nhân vật vĩ đại trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Tôi xin dành một vài phút để chia sẻ suy nghĩ của mình về lý do tại sao tư tưởng của Phan Châu Trinh vẫn còn mang tính thời sự nóng hổi cho đến ngày hôm nay.

Mặc dù gần một thế kỷ đã trôi qua kể từ khi Phan Châu Trinh qua đời năm 1926, di sản của ông vẫn còn nguyên giá trị đối với những thách thức hiện nay của Việt Nam. Điều này đúng trước tiên và trên hết trong lĩnh vực giáo dục. Trong suốt cuộc đời Phan Châu Trinh, một mảng lớn của thế giới, trong đó có Việt Nam, rơi vào ách đô hộ của một thiểu số cường quốc phương Tây. Sự tan rã nhanh chóng của các hệ thống chính trị vốn tồn tại trong nhiều thế kỷ buộc các nhà trí thức ở Việt Nam và trên toàn châu Á phải đi tìm lời giải thích cho sự vươn lên của phương Tây. Nhiều người đắm đuối với cái gọi là quyền lực cứng của phương Tây như công nghệ, quân sự, và sức mạnh công nghiệp. Phan Châu Trinh sâu sắc hơn. Ông kết luận rằng các yếu tố khác, trong đó có giáo dục, mới là bản chất nằm đằng sau sự trỗi dậy của phương Tây.

Vai trò trung tâm của giáo dục và đổi mới trong việc quyết định quỹ đạo phát triển của các quốc gia đúng cho ngày hôm nay cũng như dưới thời của Cụ Phan. Không phải ngẫu nhiên mà những quốc gia châu Á duy trì được sự chuyển biến kinh tế xã hội nhanh chóng và bền bỉ nhất – như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore – cũng là những quốc gia đã thành công trong việc xây dựng hệ thống giáo dục có khả năng trang bị cho người dân kỹ năng và kiến thức cần thiết để cạnh tranh và đổi mới. Giáo dục là một động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế và giúp giải thích tại sao các nền kinh tế này duy trì được tốc độ tăng trưởng cao khi hầu hết các nước đang phát triển tăng trưởng chậm lại. Tất nhiên, giáo dục còn quan trọng vì nhiều lý do khác. Một công dân được giáo dục tốt sẽ là nguồn tạo ra sự thay đổi xã hội tích cực và ổn định. Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà Hàn Quốc và Đài Loan cũng là một trong số rất ít các nước ở châu Á đã có thể chuyển đổi thành công từ chế độ chuyên chế sang dân chủ.

Tôi tin rằng tất cả các quý vị trong khán phòng này sẽ đồng ý với nhận định rằng cải cách giáo dục là thách thức lớn nhất ở Việt Nam hiện nay. Tôi cũng tin là các quý vị sẽ đồng ý với tôi rằng nếu không cải cách nhanh chóng và cơ bản hệ thống giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, thì có nguy cơ Việt Nam sẽ không đạt được tiềm năng to lớn của mình. Tôi sẽ không tốn thời gian quý báu mà Ban tổ chức dành cho tôi để xem xét lý do tại sao hệ thống giáo dục Việt Nam đang trục trặc sâu sắc. Những vấn đề của nền giáo dục Việt Nam đã được phân tích một cách thuyết phục bởi Giáo sư Hoàng Tụy, Giáo sư Phạm Duy Hiển, và nhiều người khác, trong đó có Chương trình Việt Nam ở Đại học Harvard.

Chuyển đổi kinh tế của Việt Nam kể từ lần đầu tiên tôi quay lại vào năm 1985 là hết sức ngoạn mục. Chắc chắn là tôi không muốn xem nhẹ những thành tựu này. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam đã thừa nhận rằng mặc dù nông nghiệp và công nghiệp nhẹ đã giúp Việt Nam thoát ra ngỏi hàng ngũ của các nước nghèo nhất, nhưng Việt Nam không thể tiếp tục dựa vào những hoạt động kinh tế này để nâng cao thu nhập của người dân trong tương lai. Giáo dục ở tất cả các cấp, đặc biệt giáo dục đại học, là chìa khóa để giải phóng nguồn lực mới cho tăng trưởng và thịnh vượng. Nói tóm lại, giáo dục là một mệnh lệnh kinh tế của Việt Nam.

Giáo dục còn là một mệnh lệnh chính trị, ít nhất ở trên hai phương diện quan trọng.

Trước tiên, giáo dục là khát vọng của người dân Việt Nam. Trong những năm qua, tôi đã có nhiều người thầy dạy cho tôi hiểu về Việt Nam. Một vài người trong số họ đang có mặt ở khán phòng này. Khi nói về sự trọng học hành của người Việt Nam, một người bạn tôi, người đã cống hiến sự nghiệp của mình không phải cho ngành giáo dục mà cho ngành nông nghiệp, đã dạy tôi một bài học rất giá trị. Khoảng 10 năm trước tôi gặp lại ông khi ông vừa trở về từ Đồng bằng sông Cửu Long, nơi ông đã trải qua những năm tháng tuổi trẻ vào thời điểm Đổi mới vừa chớm bắt đầu. Khi tôi hỏi ông về ấn tượng đối với Đồng bằng sông Cửu Long, ông đã làm tôi hoàn toàn bất ngờ. “Tommy”, ông nói, “tôi cứ cho rằng nông dân chúng tôi khát khao những gì họ luôn khao khát: nhiều đất canh tác hơn, đầu vào tốt hơn, tín dụng nhiều hơn, và sản xuất lớn hơn. Nhưng tôi đã nhầm. Những gì nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long thực sự muốn là một nền giáo dục tốt hơn để con em của họ thoát khỏi thân phận của người nông dân trồng lúa.” Cải cách giáo dục vẫn phải là một ưu tiên tối cao, không phải vì đó là điều các nhà đầu tư nước ngoài muốn mà bởi vì đó chính là điều mà người dân Việt Nam đòi hỏi. Rõ ràng là khả năng cải cách giáo dục của chính phủ nhằm cải thiện cơ hội giáo dục cho người dân sẽ quyết định đáng kể cách thức người dân cảm nhận về chính phủ của mình.

Giáo dục còn là một mệnh lệnh chính trị ở một khía cạnh khác. Như tôi vừa trình bày, trong thời đại của mình Phan Châu Trinh là một nhà phân tích địa chính trị sâu sắc. Ông thấm nhuần rằng giáo dục là một cội nguồn sức mạnh của phương Tây và sự lạc hậu về giáo dục là một điểm yếu chết người của Việt Nam. Mặc dù tất nhiên là trật tự quốc tế hiện nay rất khác so với đầu thế kỷ XX, song tôi cho rằng đối với Việt Nam hiện nay, mối liên hệ giữa giáo dục và chủ quyền quốc gia cũng thực chất và có tầm quan trọng sống còn chẳng khác gì so với trước đây một thế kỷ. Nếu Việt Nam muốn duy trì nền độc lập đã phải trải qua biết bao gian khó mới có được, thì Việt Nam phải xây dựng một hệ thống giáo dục có thể đóng góp cho sự tiến bộ kinh tế và xã hội. Nếu không có một nền kinh tế năng động với giá trị gia tăng cao, mà điều này chỉ có thể đạt được nhờ cải cách giáo dục, Việt Nam có nguy cơ phải chịu đựng những mối quan hệ kinh tế và chính trị bất bình đẳng với các nước lớn, trong đó có Trung Quốc. Cũng cần phải nói rõ thêm, tôi không hề muốn nói rằng Việt Nam có nguy cơ rơi trở lại tình trạng thuộc địa trước đây như thời Phan Châu Trinh. Tuy nhiên, tại thời điểm khi có sự lo lắng ngày càng tăng về mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc, bao gồm cả Trung Quốc, giáo dục phải được nhận thức như là thành trì của một hệ thống kinh tế xã hội mạnh mẽ và sáng tạo.

Trong bài phát biểu ngắn này, tôi đã cố gắng để giải thích lý do tại sao tôi tin rằng cải cách giáo dục là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đối với Việt Nam hiện nay và tại sao tư tưởng của Phan Châu Trinh vẫn còn nguyên giá trị. Tôi đã quyết định không đề cập tới các nội dung cụ thể của chương trình cải cách giáo dục. Rất nhiều người, trong đó có những quý vị ở đây hôm nay, đã viết rất nhiều bài về vấn đề này. Bà Nguyễn Thị Bình, Giáo sư Chu Hảo, và Nhà văn Nguyên Ngọc đều là những nhà bình luận có ảnh hưởng về cải cách giáo dục, và tôi đã học được rất nhiều từ họ. Quan điểm của riêng tôi cũng như những đồng nghiệp của tôi tại Chương trình Việt Nam về vấn đề này đã được trình bày ở nhiều diễn đàn khác.

Trước khi kết thúc, tôi muốn nêu thêm một lĩnh vực mà tôi cho rằng triết lý của Phan Châu Trinh vẫn còn nguyên giá trị đối với cải cách giáo dục. Mặc dù là một nhà ái quốc vĩ đại nhưng Cụ Phan đã luôn phê phán một cách sâu sắc nhiều khía cạnh của xã hội và văn hóa Việt Nam, những khía cạnh mà ông cho là trở ngại đối với sự tiến bộ của nước nhà. (Đặc điểm này, như chúng ta đều biết, có thể bởi vì cũng như Bà Nguyễn Thị Bình, Giáo sư Hoàng Tụy, và Nhà văn Nguyên Ngọc, Phan Châu Trinh đến từ Quảng Nam, vùng đất vốn nổi tiếng là cãi hay nhờ hay cãi!). Phan Châu Trinh luôn tuyên bố rằng Việt Nam có thể và nên học tập tất cả các quốc gia, thậm chí là từ chính nước Pháp khi ấy đang đặt Việt Nam dưới ách thuộc địa. Tinh thần tự phê phán không khoan nhượng của Phan Châu Trinh cần phải được hoan nghênh.

Một mối nguy hiểm thường trực đối với các quốc gia hay các nền văn hóa là niềm tin cho rằng mình là ngoại lệ, vượt ra ngoài những quy tắc có tính phổ quát. Thật đáng tiếc, xu thế này đang lan rộng ở chính đất nước tôi, đến mức có một thuật ngữ cho nó, đó là “ngoại lệ Hoa Kỳ”. Tôi đã trải nghiệm đủ ở Việt Nam để biết rằng ở đây cũng có một phiên bản tương tự của cạm bẫy tinh thần này. Cho phép tôi, nếu có thể, gọi nó là “ngoại lệ Việt Nam”. Sau một thời gian dài theo dõi các cuộc tranh luận về cải cách giáo dục ở Việt Nam, tôi thấy tính ngoại lệ này thể hiện ở ít nhất hai lĩnh vực. Đầu tiên là về cách thức đo lường và đánh giá tiến bộ. Không thể cứ tiếp tục nói rằng Việt Nam ngày nay khá hơn Việt Nam trước đây 20 năm một khi nó vẫn tụt hậu một cách tệ hại so với các nước trong khu vực. Giáo sư Hoàng Tụy là tiếng nói mạnh mẽ nhất phản đối sự nguy hiểm của tính tự mãn trong hệ thống giáo dục Việt Nam.

Lĩnh vực thứ hai mà chúng ta phải cảnh giác với ngoại lệ là quản trị đại học. Bất kỳ một nền giáo dục đại học có chất lượng nào đều có một số đặc điểm có tính phổ quát, vượt ra khỏi bối cảnh địa phương. Những trường đại học xuất sắc nhất trên thế giới có chung một số thuộc tính cơ bản, trong đó bao gồm tự do học thuật, trọng dụng nhân tài, và minh bạch. Nỗ lực cải thiện giáo dục đại học mà bỏ qua những phẩm chất vô hình này thường không bao giờ đem lại kết quả mong muốn. Các trường đại học nên bắt rễ sâu từ nền văn hóa bản địa, nhưng sẽ là một sai lầm nghiêm trọng nếu dùng văn hóa như một cái cớ để hạn chế những nguyên tắc cốt lõi của đại học, như tự do học thuật chẳng hạn.

Vào năm 1994, cùng với sự giúp đỡ của rất nhiều bạn bè và đồng nghiệp Việt Nam, tôi đã tham gia thành lập Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright. Mục đích của chúng tôi là tạo ra một ngôi trường có thể hỗ trợ cho sự phát triển của Việt Nam, đồng thời cũng đóng vai trò như một mô hình mới về quản trị đại học. Hôm nay, tôi tự hào được tham gia trong nỗ lực chung của Việt Nam và Hoa Kỳ trong dự án xây dựng một trường đại học mới ở thành phố này – trường Đại học Fulbright Việt Nam. Trường Đại học Fulbright Việt Nam là sự tiếp nối và mở rộng công việc mà chúng tôi bắt đầu khi Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright mở cửa đúng 20 năm trước. Khi tiến về phía trước với dự án thú vị này, chúng tôi có thể lấy cảm hứng từ những tư tưởng của Phan Châu Trinh. Tôi nghĩ rằng nếu còn sống, ông chắn hẳn sẽ ủng hộ tầm nhìn của chúng tôi về Đại học Fulbright Việt Nam như một cơ sở học thuật kết hợp nhuần nhuyễn giữa di sản độc đáo và quý báu của Việt Nam với những truyền thống tốt nhất của quản trị đại học trên thế giới.

Một lần nữa, tôi xin cảm ơn Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đã trao tặng tôi giải thưởng năm nay.