DIỄN TỪ NHẬN GIẢI DỊCH THUẬT

PGS.TS. Ngô Đức Thọ

 Nhân dịp nhận giải thưởng Phan Châu Trinh năm 2014

 Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

 Ngày 24 tháng 3 năm 2014

 

Kính thưa Bà NGUYỄN THỊ BÌNH

(Nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng Hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam)

Chủ tịch Quỹ văn hoá mang tên nhà cách mạng Phan Châu Trinh,

Các vị trong Ban điều hành và Hội đồng Giải thưởng của Quỹ

Thưa quý đại biểu cùng quý cử toạ,

Hân hạnh được cùng quý vị dự buổi họp mặt hôm nay, ngước lên chân dung nhà chí sĩ yêu nước kiệt xuất, lãnh tụ của phong trào dân chủ nhân quyền Việt Nam, chúng ta tưởng như nhìn thấy ánh mắt như sao của cụ Tây Hồ, bên tai còn nghe vang vọng lời bình của cụ Sào Nam:

“Ông Phan Hy Mã ta ra đời, nghiên cứu cái học của ông Lư (Rousseau), phát huy lời nói của ông Mạnh, đem hai chữ dân quyền hò hét trong nước như một tiếng sấm vang, làm cho bao nhiêu giấc mơ phải tỉnh dậy, mà dân ta từ nay dần dần mới biết mình có quyền...Nay ông đã qua đời rồi mà cái chủ nghĩa của ông ngày thêm  sáng chói...”

(Phan Bội Châu, Bài Tựa Phan Tây Hồ văn tập. Nguyên văn chữ Nho. Ngô Đức Kế dịch. Phan Tây Hồ di thảo. Nhà in Chân Phương 1927.)

Chính sức mạnh tinh thần hai nhà cách mạng họ Phan nhen nhóm và thổi bùng lên trong lòng dân Việt đã dẫn đến thành công của cuộc cách mạng 8-1945 xây dựng chế độ mới và thắng lợi của cả 3 cuộc chiến tranh giữ nước trong thế kỷ XX cũng được thừa hưởng sức mạnh tinh thần ấy rất nhiều. Đối với giáo dục và văn hoá chúng ta cũng đã làm được nhiều việc lớn. Có một niềm tự hào dân tộc chân chính đã được xây dựng ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn của thời bao cấp, chiến tranh. Quả thật có cả một dân tộc không ngừng chăm lo học tập, ngay cả dưới làn đạn bom. Có những giá trị văn hoá cổ truyền đựoc xã hội coi là chuẩn mực của nhiều giá trị đạo đức. Người Việt Nam ra nước ngoài được bạn bè quốc tế quý trọng. Nay ngoái nhìn không khỏi sững sờ, cảm thấy chúng ta như người đi đường mải miết đi nhanh và lo toan cuộc sống, nên đánh rơi mất nhiều tài sản quý giá! Qua đó cũng có thể thấy sự phát triển văn hoá của chúng ta nhiều mặt còn thiếu tính vững bền. Đạo đức xã hội có nhiều mặt sa sút hụt hẫng. Đó không chỉ là chuyện chính trị, chuyện hình sự, đó còn là những vấn đề của văn hoá, những vấn đề tinh thần bức xúc của xã hội Việt Nam ta hiện nay.

Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh đã hoạt động dăm bảy năm nay được đông đảo giới trí thức, doanh nhân trong ngoài nước đồng tình ủng hộ. Quỹ lấy lời kêu gọi “khai minh dân trí, chấn hưng dân khí, hậu dân sinh” của cụ Tây Hồ làm tôn chỉ mục đích, đó là niềm tin tươi sáng ở sự phục hưng sức mạnh tinh thần lớn lao của dân tộc. Đó cũng chính là động lực đảm bảo cho tự do dân chủ, sự toàn vẹn lãnh thổ và hội nhập quốc tế của nước ta phát triển vững chắc.

Ước mong hoạt động của Quỹ ngày thêm phong phú, gây hiệu ứng chấn hưng văn hoá ngày càng mạnh mẽ, mau chóng khôi phục sức mạnh tinh thần của quốc gia, dân tộc!

Tôi chân thành cảm tạ Hội đồng giải thưởng của Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh có nhã ý khích lệ đối với công việc dịch thuật Hán Nôm của tôi. Sự nhắc nhở của Quý Giải khiến tôi tự cảm thấy đóng góp của mình thật còn ít ỏi, chưa thấm gì so với cống hiến của các vị tiền bối và nhiều anh chị khác hiện nay. Đúng là tôi từng được đi học chữ Nho từ hồi nhỏ. Nhưng khi ấy ông tôi đã mất lâu rồi, chính bà nội dắt tôi đến học chữ với cụ đồ trong họ. Thời gian và chữ nghĩa học được cũng chẳng mấy, nhưng thuận lợi cho quá trình tự học sau này của tôi. Không chỉ chữ Hán chữ Nôm mà bất cứ một thứ ngôn ngữ văn tự nào nếu muốn nắm vững đi sâu đều có những khó khăn. Từ những năm 1959 – 60 tôi đã có vài tác phẩm dịch đựoc xuất bản (đồng dịch giả của mấy tập văn học nước ngoài)  Nhưng đó là chỉ là những hoạt động nhất thời, tôi vẫn luôn tâm niệm muốn thực hiện việc dịch thuật các tác phẩm Hán Nôm của nước ta. Nhưng muốn làm được việc này phải tự học rất nhiều, không những phải nắm vững cổ văn, các vấn đề triết học, sử học, địa lý học, ngôn ngữ học v.v...cũng đều cần có những kiến thức nhất định. Di sản Hán Nôm của ta hàm chứa nhiều những kiến thức đó, nếu mình hiểu biết sơ sài, khó nói đến viẹc chuyển tải những giá  trị đó đến với mọi người.

Chúng ta thừa hưởng kho tàng di sản Hán Nôm phản ánh biết bao tình cảm tư tưởng của nhiều thế hệ ông cha, từ  Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Kiêm, Lê Quý Đôn, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu đến Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh v.v..đòi hỏi thế hệ chúng ta phải có những người làm công tác dịch thuật Hán Nôm để chuyển những giá trị tinh thần ấy đến với người đọc ngày nay.

Sau ngót 50 năm theo đời sự nghiệp dịch thuật, chủ yếu về dịch thuật Hán Nôm, nay nhiều đồng nghiệp thế hệ chúng tôi đã đi xa hoặc về hưu trí, nhưng ngành Hán Nôm đã có các chuyên gia có mặt ở cả ba miền đất nước. Viện nghiên cứu Hán Nôm nơi tôi công tác hiện cũng đang có những nhà nghiên cứu trẻ tuổi  hăng hái thực hiện sự nghiệp mà tôi đã tham gia đóng góp nhiều chục năm qua. Mong sao chúng ta sớm tìm ra phương cách thích hợp với  thời kinh tế thị trường để có thêm nhiều công trình dịch thuật giới thiệu các tác phẩm Hán Nôm, đáp ứng mục tiêu chấn hưng văn hoá nước nhà như công chúng cũng như Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh mong đợi.

Trân trọng cảm ơn Bà Chủ tịch và vị điều hành buổi lễ cho phép tôi nói lời cảm tạ.

Chân thành cảm ơn các đại biểu và quý cử toạ.

N.Đ.T   

24-3-2014