DIỄN TỪ NHẬN GIẢI 
VÌ SỰ NGHIỆP VĂN HÓA VÀ GIÁO DỤC

VŨ ĐỨC HIẾU

Kính thưa: 

Thật vinh dự và tự hào khi biết mình được chọn để trao giải thưởng cao quý. Giải thưởng Phan Châu Trinh vì sự nghiệp Văn hóa và Giáo dục. Tôi được biết còn rất nhiều người xứng đáng hơn tôi vì những công trình, những thành tựu mà họ đóng góp cho xã hội. Có lẽ giải thưởng cao quý này trao tặng cho Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường thì đúng hơn. Đó là một công trình mà cá nhân tôi chỉ góp phần nhỏ bé công sức của mình vào đó. Để có được ngày hôm nay không thể không kể đến sự góp sức từ gia đình. Những người bạn, người Thầy, hội đồng cố vấn và cả các anh em làm việc tại Bảo tàng. Sự giúp sức từ cộng đồng và cũng từ chính những bà con người Mường, đã chia sẻ mọi khó khăn về vật chất, cũng như tinh thần, để xây dựng nên một không gian lưu giữ và bảo tồn Văn hóa Mường. Với những chương trình sự kiện đã tổ chức trong thời gian qua.

Khi còn nhỏ, ở bất cứ đâu tôi đều gặp những người phụ nữ Mường mặc trang phục truyền thống của họ, nhất là những ngày chủ nhật chợ phiên của cái thị xã nhỏ bé này, bà con ở các làng bản quanh đó tụ họp như đi hội, rất nhiều những nông, lâm, thổ sản được mang ra để trao đổi mua bán. Thiên nhiên và vùng đất Hòa Bình đặc biệt ưu đãi người Mường. Họ sống và gắn bó với thiên nhiên và những gì thiên nhiên ban tặng như bao đời tổ tiên cha ông họ đã sống. Những làng bản yên lành nép mình bên những dòng suối nhỏ, trong những thung lũng mà bao quanh là rừng già với rất nhiều sản vật. Cuộc sống yên lành cứ thế trôi đi với một kho tàng Văn hóa đặc trưng và phong phú mà họ sáng tạo ra trong một không gian như thế. 

Trong không gian sống của những ngôi nhà sàn Mường. Chứa đựng bao những nét đẹp Văn hóa, tục thờ cúng tổ tiên, Ông Bà, thờ thần lửa, thần Lúa… thói quen sinh hoạt cộng đồng, hỗ trợ và giúp đỡ nhau những lúc khó khăn, trong gia đình thì kính già, yêu trẻ. Đàn ông thì cày ruộng, làm nhà, phụ nữ thì hái rau, dệt vải. Những tấm vải thổ cẩm được các bà các mẹ chăm chút và truyền dạy cho con gái từ khi còn nhỏ, đến khi lấy chồng những sản phẩm do chính tay các cô làm ra đó sẽ lại là những món quà cho nhà chồng. Nó thể hiện tấm lòng và sự tinh tế và khéo léo của họ. 

Vậy mà thời gian gần đây, do sự phát triển chung của xã hội hiện đại, và quá trình đô thị hóa. Những nét độc đáo nhất của văn hóa Mường đang đứng trên bờ vực của sự suy thoái và biến mất. Cực kỳ hiếm những thanh niên người Mường hiện nay hiểu biết những kỹ năng sống của cha ông, cũng như am hiểu văn hóa truyền thống của dân tộc sinh ra họ. Trong khi những người có tuổi, các thầy Mo (người phụ trách giữ gìn tín ngưỡng tâm linh và văn hóa Mường), thầy thuốc, những nghệ nhân đan lát, dựng nhà, dệt vải còn sống không còn nhiều. Đi khắp các bản Mường quanh Thành phố Hòa Bình đâu cũng là nhà xây với nhiều kiểu kiến trúc mới, chúng ta không còn gặp những nếp nhà sàn yên bình nép mình trong những vườn cây, không còn hình ảnh những cô gái Mường thướt tha trong trang phục truyền thống, mà chỉ bắt gặp những quần bò, áo phông, màu sắc sặc sỡ, những xe máy rú ga chạy ầm ầm, những tiếng nhạc xập xình loa mở to hết cỡ. Còn đâu những làn điệu ru con của các Mẹ, các Mế, còn đâu những làn điệu Thường Rang, Bộ mẹng, hát đối, hát đúm của nam nữ thanh niên với những lời ca tình tứ.

Một tộc người có lịch sử lâu dài, ít nhất từ nền Văn hóa Hòa Bình cách đây hơn 10 ngàn năm, tộc người mà qua đó người ta có thể thấy nguồn gốc của người Việt Nam hiện nay. Tộc người có Trống đồng, có Mo Mường, có sử thi Đẻ đất Đẻ nước nói về sự hình thành và ra đời của dân tộc, có nếp sống thanh bình, trung gian giữa các sắc tộc khác và người Việt (Kinh) … Vậy mà nguy cơ phôi phai bản sắc, bị đồng hóa hoàn toàn, mất cả những nét riêng về nhà cửa, ngôn ngữ, đang xảy ra. Một cá nhân tôi không thể ngăn chặn lại được tiến trình đó, nhưng ít nhất cũng lưu giữ được ít nhiều qua Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường.

Một lần nữa xin cảm ơn gia đình đã ủng hộ tôi trong suốt thời gian qua. Cảm ơn người vợ đã giúp tôi chăm xóc gia đình nhỏ của mình những ngày tôi đi vắng, xin cảm ơn những người bạn đã ủng hộ cả về vật chất và tinh thần, cảm ơn thầy, người đã luôn quan tâm và lo lắng, cảm ơn các anh em làm việc tại bảo tàng đã cùng tôi chia sẻ từng gói mỳ tôm, từng bát cháo trắng trong những lúc khó khăn. Xin cảm ơn các gia đình bà con trong các bản Mường đã coi tôi như là đứa con xa nhà. Thay mặt cho tất cả tôi xin cảm ơn Quỹ Phan Châu Trinh đã ghi nhận sự cố gắng của tất cả chúng tôi.  

Xin chân thành cảm ơn