THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Ngày: 25/3/2013

 

GIẢI THƯỞNG VĂN HÓA
PHAN CHÂU TRINH NĂM 2013

Năm 2012, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao bốn giải thưởng cho sáu cá nhân : 1. Giải Vì sự nghiệp Văn hóa và Giáo dục cho bà Bùi Trân Phượng và ông Vũ Đức Hiếu; 2. Giải Dịch thuật cho ông Chu Tiến Ánh và ông Phạm Duy Hiển (bút danh Phạm Nguyên Trường); 3. Giải Nghiên cứu cho nhà sử học Lê Thành Khôi; 4. Giải Việt Nam học cho nhà Việt Nam học người Pháp Philippe Langlet. Lễ trao giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh được tổ chức vào hồi 19g00 ngày 29 tháng 3 năm 2013, tại Phòng hội Sunflower (lầu 1) Khách sạn REX, 141 Nguyễn Huệ - Quận 1 – TP Hồ Chí Minh. Buổi lễ đặt dưới sự chủ trì của Bà Nguyễn Thị Bình – Chủ tịch Quỹ, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh, mang tên nhà văn hóa Phan Châu Trinh (1872 – 1926), người chủ trương “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Tiền thân của Quỹ là Quỹ Dịch thuật Phan Chu Trinh, được thành lập tháng 01 năm 2007. Việc đổi tên thành Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh năm 2008 đánh dấu sự mở rộng các hoạt động của Quỹ. Bên cạnh chương trình tài trợ và hỗ trợ dịch thuật các tác phẩm thuộc dự án Tủ sách Tinh hoa Tri thức Thế giới, Quỹ có nhiều hoạt động văn hóa khác, đặc biệt là việc khuyến khích, tôn vinh các công trình nghiên cứu văn hóa đặc sắc; tổ chức phổ biến các giá trị văn hóa Việt Nam và thế giới. Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh chủ trương hệ thống Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh, định kỳ và không định kỳ bao gồm các giải thưởng “Vì Sự nghiệp Văn hóa và Giáo dục”, “Dịch thuật”, “Việt Nam học” và giải "Nghiên cứu" cho các nhà hoạt động giáo dục, văn hóa, nhà khoa học, dịch giả trong và ngoài nước.

Giải thưởng năm 2013 được trao cho các cá nhân :

  1. Giải Vì sự nghiệp Văn hóa và Giáo dục được trao cho bà BÙI TRÂN PHƯỢNG, Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen do những hoạt động rất hiệu quả góp phần đổi mới Giáo dục Đại học và Cao đẳng nước nhà.
  2. Giải Vì sự nghiệp Văn hóa và Giáo dục được trao cho ông VŨ ĐỨC HIẾU, Giám đốc Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường do những cố gắng xuất sắc góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc Mường cùng những nỗ lực thúc đẩy phát triển nghệ thuật Việt Nam đương đại.
  3. Giải Dịch thuật cho ông CHU TIẾN ÁNH với hàng trăm dịch phẩm ông đã dịch và tham gia dịch, đặc biệt là bộ sách Edgar Morin, qua đó ông đã góp phần xuất sắc đưa tinh hoa tri thức nhân loại về cho người Việt.
  4. Giải Dịch thuật cho ông PHẠM DUY HIỂN (bút danh PHẠM NGUYÊN TRƯỜNG) với dịch phẩm kinh điển về kinh tế học và phổ biến kiến thức khoa học xã hội và nhân mà ông đã chủ động lựa chọn dịch và giới thiệu cho độc giả Việt Nam.
  5. Giải Nghiên cứu cho Giáo sư LÊ THÀNH KHÔI, Việt kiều tại Pháp vì những cống hiến nghiên cứu bác học trong quá trình chiêm bái các nền Văn hóa từ Đông sang Tây.
  6. Giải Việt Nam học cho Giáo sư PHILIPPE LANGLET, nhà sử học, người dành cả cuộc đời nghiên cứu của mình để hướng về Việt Nam, vì những đóng góp xuất sắc trong viêc nghiên cứu và giới thiệu văn hóa và lịch sử Việt Nam ra nước ngoài.

Lễ trao giải sẽ diễn ra 19g00 ngày 29 tháng 3 năm 2013, tại Phòng hội Sunflower (lầu 1) Khách sạn REX, 141 Nguyễn Huệ - Quận 1 – TP Hồ Chí Minh. Lễ trao giải đặt dưới sự chủ trì của Bà Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, Nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.

--

Phan Châu Trinh sinh năm 1872 tại làng Tây Lộc, huyện Hà Đông, nay là huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Năm 29 tuổi đỗ Phó bảng; sau đó làm thừa biện, một chức quan nhỏ ở bộ Lễ của triều đình Huế, đọc “sách mới” (Tân Thư). Năm 1904, Phan Châu Trinh từ quan. Trong khoảng thời gian đó, ông đã khởi xướng một trào lưu tư tưởng lớn từng làm lay chuyển mạnh mẽ xã hội Việt Nam bấy giờ. Chỉ rõ vị trí đặc biệt của ông trong lịch sử cận đại Việt Nam, Hoàng Xuân Hãn nói rằng ông là người đầu tiên đi tìm nguyên nhân của thảm họa dân tộc thuở ấy trong sự lạc hậu về văn hóa của nhân dân và xã hội ta. Huỳnh Thúc Kháng thì coi Phan Châu Trinh là “nhà cách mạng đầu tiên của Việt Nam”. “Nhà cách mạng” là người không chỉ chủ trương một cuộc đấu tranh riêng rẽ, cụ thể, mà muốn thay đổi một xã hội. Phan Châu Trinh hiểu thay đổi đó trước hết phải là thay đổi về văn hóa. Ông đi đến nhận thức vĩ đại ấy chính là qua tiếp xúc với trước tác của các nhà khai sáng lớn trên thế giới, tác giả của các “tân thư”, những cuốn sách mang các tư tưởng mới, tiên tiến của nhân loại, bấy giờ được dịch qua chữ Hán và du nhập vào nước ta. Cũng có thể nói ông là một trong những người đầu tiên hiểu ra sớm nhất, sâu sắc và thống thiết nhất, qua các tân thư, rằng thế giới là rộng lớn và đã thay đổi lớn, thời đại đã khác, phải thiết kế một thời đại mới cho dân tộc, dân tộc ta nhất thiết phải sống, tìm đường tồn tại và phát triển trong thế giới và thời đại đó. Ông chủ trương xây dựng từ từng cá nhân tự chủ, đến toàn dân tộc ý thức tự chủ hay ông gọi là tự trị bằng con đường chắt lọc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại qua khẩu hiệu: “Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh.” Một trăm năm đã đi qua, nhưng tư tưởng của Phan Châu Trinh vẫn còn nguyên giá trị, thậm chí trong thế giới đang chuyển động bão táp ngày nay, càng trở nên cập nhật, cấp thiết hơn.

DANH SÁCH CÁC CÁ NHÂN TỪNG NHẬN GIẢI THƯỞNG VĂN HÓA PHAN CHÂU TRINH (2008 - 2013)

2008

Giải thưởng Tinh hoa Giáo dục Quốc tế tiền thân của giải Dịch thuật đã được trao cho BÙI VĂN NAM SƠN với dịch phẩm Phê phán lý tính thuần túy của triết gia Đức Immanuel Kant, Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2004.

2009

- Giải thưởng Tinh hoa giáo dục Quốc tế (2 giải) được trao cho: PhẠm Anh TuẤn với bản dịch Dân chủ và giáo dục của John Dewey, và Nhóm Lê HỒng Sâm, TrẦn QuỐc Dương với bản dịch Émile hay là về giáo dục của Jean-Jacques Rousseau.

- Giải thưởng Việt Nam học (2 giải) trao cho Giáo sư David Marr (Australia) và Giáo sư Sakurai (Nhật Bản).

- Giải thưởng Nghiên cứu trao cho học giả NguyỄn Đình ĐẦu.

2010

- Giải thưởng Giáo dục được trao cho HỒ NGỌC ĐẠI

- Giải thưởng Dịch thuật (2 giải): Dịch giả PHẠM VĨNH CƯ với dịch phẩm Siêu lý tình yêu của triết gia Nga Soloviev, và Dịch giả LÊ ANH MINH với dịch phẩm Lịch sử triết học Trung Hoa của Phùng Hữu Lan.

- Giải thưởng Nghiên cứu: Nhà nghiên cứu INRASARA PHÚ TRẠM vì các công trình nghiên cứu văn học Chăm.

- Giải thưởng Việt Nam học: Nhà dân tộc học GEORGES CONDOMINAS (Pháp).

2011

- Giải thưởng Giáo dục: Hoàng TỤy.

- Giải Nghiên cứu: nhà nghiên cứu văn bản học LẠi Nguyên Ân. 

- Giải Dịch thuật: Dịch giả PhẠm Văn ThiỀu với các dịch phẩm phổ biến kiến thức khoa học và Dịch giả NguyỄn Đôn PhưỚc với các dịch phẩm phổ biến kiến thức kinh tế học.

- Giải Việt Nam học: KEVIN BOWEN (Hoa Kỳ) và IVO VASILJEV (Czech).

2012

- Giải Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục, ông Nguyễn Sự;

- Giải Dịch thuật, dịch giả Nguyễn Văn Khoa, dịch cuốn Đối thoại Socratic 1, Plato.

- Giải Nghiên cứu, nhà nghiên cứu âm nhạc Việt Nam Trần Văn Khê

- Giải Nghiên cứu, nhà nghiên cứu văn học Hán – Nôm Nguyễn Thạch Giang;

- Giải Việt Nam học, Alain Ruscio

- Giải Việt Nam học, Pozner Paven Vladimirovich.