DIỄN TỪ NHẬN GIẢI VIỆT NAM HỌC
IVO VASILJEV
Diễn từ trong dịp nhận giải thưởng Phan Chu Trinh ngày 24 tháng 3 năm 2011
Việt Nam trong trí óc và trái tim
Lần đầu tiên tôi được gặp người Việt Nam là vào cuối tháng 6 năm 1955, cách đây gần 56 năm trời. Đó là hai đồng chí sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được mời sang thủ đô Praha để chứng kiến Đại hội thể thao tòan quốc lần thứ nhất của Tiệp Khắc được diễn ra hùng tráng trong khoảng mười ngày. Lúc đó tôi là sinh viên năm thứ hai môn Triều tiên học khoa ngữ văn trường Đại học tổng hợp Charles (Praha) được mời làm phiên dịch cho đoàn đại biểu Triều Tiên. Tôi hàng ngày được ngồi trên khán đài không xa hai đại biểu Việt Nam, người mặc một quân phục hết sức giản dị, cử chỉ đi đứng hết sức khiem tốn, chào hỏi bằng tiếng Pháp. Tôi vẫn còn giữ ành hai đồng chí trên khán đài sân vận động Xtra- hốp khổng lồ.
Lúc đó tôi hoàn toàn không ngờ rằng, bốn năm sau, Việt Nam sẽ trở thành số phận của tôi. Vào tháng 5 năm 1958 tôi kết hôn với bạn cùng trường, Zdenka, người nghiên cứu lịch sử Nhật Bản, tiếp đó cặp vợ chồng trẻ chúng tôi tốt nghiệp trường đại học, trở thành một gia đình luôn luôn hướng về khoa học và phương Đông. Tôi đã thành công bảo vệ luận văn về vấn đề dài ngắn trong các nguyên âm tiếng Triều Tiên là kết quả hai năm nghiên cứu ngữ âm học. Đó là công trình khoa học đầu tiên của tôi được tạp chí khoa học của Viện Đông phương thuộc Viện Hàn lâm khoa học Tiệp Khắc đăng bằng tiếng Nga (1).
Vào mùa xuân năm 1959 Viện Đông phương có ý định tuyển một nghiên cứu sinh về lĩnh vực Việt Nam học nhằm thành lập môn Việt Nam học tại Tiệp Khắc. Đối tượng tuyển là những người đã tốt nghiệp trường đại học về môn Trung Quốc học. Khi gần mãn hạn mà chưa có ai đăng ký, tôi chợt nghĩ tại sao mình không đăng ký, khi tôi tha tiết mong muốn đi vào lĩnh vực khoa học mà chỉ thiếu một tiêu chuần là mình không tốt nghiệp môn Trung Quốc học? Mình chỉ tốt nghiệp môn Triều Tiên học, nhưng cũng biết đọc, biết viết chữ Hán với phát âm Hán Triều và Hán Nhật mà. Tôi xung phong đăng ký đi thi, và từ đó tôi tức khắc bắt đầu khai thác các thông tin cơ bản về đất nước Việt Nam, chuẩn bị đi thi. Tôi được đỗ với điều kiện tôi sẽ học đươc tiếng Trung Quốc đến mức độ có thể đọc các bài trên các tạp chí thuộc lĩnh vực khoa học xã hội.
Bắt đầu học tiếng Viết từ vần ABC, vả lại có nhiệm vụ trong ba năm viết và nộp luận án phó tiến sĩ về tiếng Việt, trong khi tôi không có thầy dạy tiếng Việt, tôi định chọn một đề tài trong đó tôi có thể tận dụng những hiểu biết tôi sẵn có, đó là vấn đề từ vựng Hán Việt trong tiếng Việt hiện đại. Công trình đó chưa được công bố, ngoài hai tiểu đề thuộc về lĩnh vực ngôn ngữ học đại cương (2) và ngôn ngữ học vùng Á Đông (3).
Đầu tháng 9 năm 1960 tôi có sự may mắn được gặp thầy là ông Trần Xuân Đài, cán bộ trường Đại học Sư phạm Hà Nội được Bộ Giáo dục Việt Nam cử sang dạy tiếng Việt ở trường Đại học tổng hợp Charles. Ông dạy tiếng Việt riêng cho tôi cả một năm trời, rồi sang năm chúng tôi bắt đầu cùng giảng dạy sinh viên khóa Việt Nam học đầu tiên ở Tiệp Khắc. Nhờ có thầy Đài tôi học được tiếng Việt khá nhanh và khi được đi Việt Nam lần đầu tiên vào giữa tháng tám năm 1963, tôi đã có thể sử dụng tiếng Việt một cách thoải mái và tôi hoàn thành được luận án phó tiến sĩ(4).
Cơ quan tiếp tôi về phía Việt Nam là Ủy ban liên lạc văn hóa với nước ngoài ở Hà Nội. Ủy ban lại ủy nhiệm Viện sử học trực tiếp giải quyết cho tôi mọi vấn đề về nội dung và kế hoạch làm việc. Tôi được Viện trưởng, GS Trần Huy Liệu tiếp nhiều lần và cho tôi nhiều ý kiến bổ ích. Do đó, trong hai tháng làm việc ở Việt Nam, khi đi gặp bất kỳ ai và đi bất kỳ địa phương nào tôi luôn luôn được giới thiệu với tư cách là “đoàn sử học Tiệp Khắc”. Thực ra, mặc dù tôi cũng tranh thủ được làm việc với các bạn đồng nghiệp ngôn ngữ học như GS Nguyễn Tài Cẩn, GS Cao Xuân Hạo, GS Hoàng Tuệ, GS Phan Ngọc, GS Nô Na Xơ Tan Kê Vích, GS Hoàng Thị Châu, GS Hoàng Phê v.v., mục đích chính trong chuyến đi đầu tiên này của tôi là hiểu biết càng nhiều càng tốt về đất nước và con người Việt Nam, trong đó là vấn đề tại sao Việt Nam đã đánh bại được thực dân Pháp và sau đó phía Mỹ Diệm lại vi phạm hiệp định Giơ Ne Vơ như thế nào với những hậu quả gì. Khi tôi được mời đến dự buổi chiêu đãi nhân dịp ngày Quốc Khánh 2 – 9, thủ tướng Phạm Văn Đồng hỏi tôi về kế hoạch làm việc của tôi rồi mời tôi đến găp đồng chí trước khi tôi về nước. Và như thế giữa tháng 10 tôi được Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời cơm trưa thân mật và cho phép tôi phỏng vấn đồng chí về bất kỳ vấn đề gì thuộc về tình hình Việt Nam và đường lối đối ngoại. Sau khi rời Việt Nam tôi còn được đi công tác mười ngày ở Cam Pu Chia. Ngày cuối cùng khi tôi có mặt ở đó lại có tin Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị nhóm đảo chính giết.
Với tất cả những kiến thức mới và những sự kiện thời sự nóng bỏng, ngay sau khi về nước tôi bắt đầu viết hàng loạt bài báo và tài liệu tham khảo về tình hình Việt Nam, dẫn đến chuyến đi nghiến cứu Việt Nam lần thứ hai trong bốn tháng từ tháng 11 năm 1964 cho đến ngày mồng 3 tháng 3 năm 1965 khi dân Hà Nội đã bắt đầu đi sơ tán và máy bay Mỹ đã bắt đầu oanh tạc miền Bắc. Công trình chủ yếu tôi viết sau khi về nước là một bài dài trên 100 trang về “Những diễn biến chính trị ở Việt Nam từ trước Đại chiến thứ hai cho đến ngày nay” được Tỏng cục chính trị Quân đội Nhân dân Tiệp Khắc xuất bản năm 1965 (5).
Trong ba năm sau tôi viết hàng chục bài báo về tình hình Việt Nam cho báo chí Tiệp Khắc, phát biểu ở hàng trăm hội thảo to nhỏ trong nước và đặc biệt đi nhiếu chuyến sang Anh, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Tây Đức theo lời mời của một số tổ chức chống chiến tranh để nói chuyện trong nhiều hội thảo và một mít tinh lớn ở London. Vào tháng 7 năm 1967 tôi được mời dự cuộc Hội nghị thế giới lần thứ nhất của các tổ chức hòa bình ở các nước phương tây cũng như các tỏ chức thuộc Hội đồng hòa bình thế giới với tư cách là đồng chủ tọa cùng GS Philippe Devillers (Pháp) tiểu ban chính sách của hội nghị. Vì sự tham gia tích cưc đó tôi được Ủy ban bảo vệ hòa bình của Tiệp Khắc giao Giải thưởng Hòa bình Tiệp Khắc năm 1967.
Trong các chuyến di Việt Nam và các hoạt động nói trên cũng như trong khi được mời làm phiên dịch cho một số đoàn đại biểu Việt Nam trong giai đoạn này tôi dã được tiếp xúc với khá nhiều cán bộ lãnh đạo nhà nước và một số ngành khoa học và giáo dục Việt Nam, nhu bộ trưởng Bộ giáo dục Nguyễn Van Huyên, GS Phạm Huy Thông (1962), Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu, đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Praha (1962-1968), ông Nguyễn Khánh Toàn (1963), GS Trần Văn Giàu (1963), Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh (1963), KS Lê Khắc (1964), ông Phạm Ngọc Thuần, Chủ nhiệm Ủy ban liên lạc văn hóa với nước ngoài (1963-1965), GS Hoàng Xuân Hãn (1966 tại Paris), ông Nguyễn Mạnh Hà, cựu Bộ trưởng trong Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1966 tại Paris), đại sứ Ca Văn Thỉnh (1963, Phnom Penh) bà Nguyễn Thị Bình, bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ lâm thời Giải phóng miền Nam Việt Nam (1967), Đại sứ Phạm Thiều (1960-1963-? tại Praha)) đại sứ Phan Văn Sử (1964-1969 tại Praha), đại tá đại sứ Hà Văn Lâu, Trưởng phái đoàn liên lạc cạnh Ủy ban quốc tế giám sát và kiểm soát việc thi hành Hiệp định.Giơ Ne Vơ (1967, tại Praha), nhà ngoại giao Nguyễn Minh Vỹ (1965, 1967, 1968) và các nhà văn Đặng Thái Mai, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Nông Quốc Chấn…
Nhưng đối với tôi đặc biệt có ý nghĩa là chuyến đi Việt Nam vào giữa tháng 10 năm 1967 với tư cách là phiên dịch viên cho đoàn đại biểu chính phủ Tiệp Khắc do thủ tướng Jozef Lenart dẫn đầu. Không những tôi được ở gần Bác Hồ hàng ngày trong thời gian hơn một tuần lễ mà tôi còn được Bác Hồ hai lần mời như khách riêng của Bác Hồ trong một buổi ăn cơm thân mật giữa hai phái đoàn Việt Nam và Tiệp Khắc và khi Bác mời các đoàn viên đến thăm Bác ở nhà sàn. Từ sau này cho đến hiện nay tôi đã kể chuyện được gặp Bác Hồ như thế nào và có những ấn tượng gì về Người cho khá nhiều nhà báo của các cơ quan ngôn luận Việt nam trong nước cũng như ở nước ngoài.
Sự chú ý của Bác Hồ đối với tôi cũng là sự cổ vũ lớn trong những năm khó khăn sau này. Do những biến cố lịch sử đời tôi có giai đoạn tôi khong có điều kiện để tiếp tục nghiên cứu khoa học và không được phép công bố gì trên mặt báo chí kể cả các tạp chí và ấn phẩm khoa học. Đó là những năm 1971-1980. Có thời gian tôi làm công nhân, rồi nhân viên phòng kế toán một công ty quốc doanh bán xe ô tô và phụ tùng. Sau giờ làm việc tôi lo việc dịch vụ hàng ngày cho bà con và tổ chức bà con chung cư tôi ở, tôi cũng cố gắng sử dụng từng phút được rỗi để học thêm ngoại ngữ như tiếng La Tinh, tiếng Bun Ga Ri, tiếng Ba Lan, để hiểu được thêm về văn hóa Tiệp Khắc và châu Âu. Và kể từ đầu năm 1975 tôi lại thỉnh thoảng được mời làm phiên dịch viên cho một số đoàn đại biểu Việt Nam, nhất là các nhà báo, trong khi đó vẫn phải làm tròn nhiệm vu công ty giao cho. Qua những năm dó tôi được rèn luyện dể sau này có thể nghiên cứu và hoạt động được tốt hơn. Trong quá trình đó tôi luôn luôn được cổ vũ và học kinh nghiệm của một số đồng chí đã tham gia cách mạng Việt Nam mà tôi được gặp trong những năm trước. Giai đoạn đầy khó khăn đó được kết thúc vào khoảng cuối năm 1979 khi tôi được mời làm phiên dich viên cho đoàn đại biểu quốc phòng Việt Nam do đại tướng Võ Nguyên Giáp làm trưởng đoàn.
Vào năm 1980 tôi được mời làm cộng tác viên của Viện dân tộc học và văn hóa dân gian thuộc Viện hàn lâm khoa học Tiệp Khắc. Tôi tham gia một số đề tài nghiên cứu của Viện thuộc về lich sử các quá trình di cư của người Tiệp Khắc ra nước ngoài trong thời kỳ giữa hai đại chiến thé giới (6,7), góp phần vào việc xây dựng một từ điển về tính tộc người nhất là về mặt quan hệ giữa ngôn ngữ và tính tộc người và quan hệ giữa ngôn ngừ và văn hóa (8,9).
Nhân dịp hai nước Tiệp Khắc và Việt Nam bắt đầu thực hiện hợp tác lao động và nhân dịp GS TS Ngô Văn Lệ viết luận án PTS được GS Viện trưởng Viện dân tộc học Antonin Robek chỉ đạo tôi cũng có một số bài nghiên cứu về các chuẩn mực ứng xử trong quá trình giao tiếp giữa những người thuộc các vùng văn hóa khác nhau (10, 11) và viết dược một loạt bài về công nhân Việt Nam tại Tiệp Khắc được báo Quyền lợi đỏ của Đảng CS Tiệp khắc đăng, trong đó có một số bài được dịch ra tiếng Việt và được báo Nhân dân đăng lại.
Đó cũng là thời điểm tôi đã dịch xong tập thơ Nhật ký trong tù của Bác Hồ từ nguyên văn chữ Hán ra tiếng Séc. Vì tôi không phải là nhà thơ nên tôi mời một bạn nhà thơ trẻ là Vladimir Korčák dịch thơ trên cơ sở bản dịch nghĩa của tôi để bảo đảm chất lượng bản dịch. Tôi mới dám dịch Nhật ký trong tù sau khi đã cùng bạn Vladimir dịch được khoảng 60 bài thơ của nhiều nhà thơ Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ qua sự hợp tác lâu dài giữa hai người và PTS Nguyễn Phan Cảnh, cán bộ giảng dạy môn Việt Nam học ở khoa ngữ văn trường ĐHTH Charles trong hơn 10 năm (1973-1984). Nhiều bài thơ chúng tôi đã dịch được báo chí Tiệp Khắc đăng dưới tên của bạn Vladimir Korčák. Một số bài thơ đó được đọc rộng rãi trong các hội họp của thanh niên và trí thức Tiệp Khắc ủng hộ nhân dân Việt Nam trong quá trình chiến đấu để bảo vệ biên giới phía bắc Tổ quốc năm 1979 (12).
Bản dịch tập thơ Nhật ký trong tù được nhà xuất bản Odeon, Praha ra vào mùa xuân 1985. Chính lúc đó tôi đang chuẩn bị về Việt Nam sau một thời gian dài: 19 năm trời. Trong làng khoa học xã hội có còn ai nhớ tôi chăng?
Tôi được GS Phạm Đức Dương, Viện trưởng Viện Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học xã hội và tập thể của các bạn đồng nghiệp trong Viện Đông Nam Á hoan nghênh nhiệt liệt. Vì nhiệm vụ chính của tôi là tìm hiểu các kết quả nghiên cứu của giới khoa học xã hội Việt Nam về văn hóa và lịch sử văn hóa Việt Nam để viết một quyển sách giới thiệu quá trình hình thành dân tộc Việt Nam và văn hóa Việt Nam, tôi được nhiều cán bộ nghiên cứu của Viện Đông Nam Á chia sẻ các ý kiến và kết quả nghiên cứu của mình. Tôi còn được giới thiệu với các Viện khảo cổ học, Viên sử học, Viện dân tộc học, Viện văn học dân gian, Viện Ngôn ngữ học, Viện Văn học, Viện kinh tế học v.v. ở Hà Nội và một số ban tương đương thuộc phân Viện khoa học xã hội ở thành phố Hồ Chí Minh và được phỏng vấn nhiều nhà khoa học Việt Nam về những vấn đề tôi muốn trình bày trong công trình sắp viết để giới thiệu với các bạn đọc Tiệp Khắc đang thiếu thông tin về văn hóa cổ truyền của Việt Nam trong khi nhu cầu hiểu biết càng ngày tăng với sự có mặt khoảng 30 nghìn học sinh học nghề, thực tập sinh và công nhân Việt Nam. Được đi tìm hiểu Đền các vua Hùng trên núi Hi Cương Phú Thọ và Đồng Đậu, Phùng Nguyên là hai di chỉ khảo cổ học nổi tiêng. Tôi còn được sự giúp đờ rất thiết thực của đại tướng Hoàng Văn Thái và Tổ chức Giáo dục Quốc phòng Nhan dân Việt Nam cũng như ông Hoàng Tư Trai, phó giám đốc Thông tấn xã Việt Nam và cơ quan của ông trong các chuyến đi tìm hiểu một số nơi xa thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chi Minh, như Đà Nẵng, Hội An, Mỹ Sơn, Huế.
Tôi được gặp ông Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác Hồ để biếu đồng chí một bản dịch Nhật ký trong tù. Giữa tháng 7 tôi được ông Trần Đức, Đài truyền hình Việt Nam tại Hà Nội phỏng vấn về quá trình dịch tập thơ Nhật ký trong tù của Bác ra tiếng Séc. Sau khi chương trình được phát tôi có cảm giác nơi nào tôi đến người ta biết tôi, chúc mừng tôi, tỏ lòng yêu mến tôi. Sau 15 năm trởi ở nhiều nơi người ta còn hỏi tôi, tôi có biết ông dịch thơ Bác kia chăng?
Sau khi tôi được Viện Dông Nam Á tiếp vào mùa hè 1965 hai tháng như vậy, tôi bắt đầu khẩn trương viết công trình đã hẹn và sang năm Viện Đông Nam Á còn tạo điều kiện cho tôi nghiên cứu tiếp hai tháng vào mùa hè năm 1986. Cuối năm đó tôi trình bản thảo cuốn Tìm di sán của người Việt cổ bằng tiếng Séc cho nhà xuất bản Panorama, Praha, để sách được xếp vào tủ sách giới thiệu các nền văn minh lớn của thế giới. Không may, trong khi các bạn đồng nghiệp Việt Nam lúc đó có điều kiện ra sách tương đối có quy mô trong thời gian hai ba tuần lễ, ngành in Tiệp Khắc mình còn làm việc chậm chạp, nên đầu năm 1990 nhà xuất bản mới được đưa sách cho nhà in. Chỉ in được thử hai bản không tranh ảnh minh họa, rồi nhà in không dám in nữa vì cả hệ thống phát hành sách vở của Tiệp Khắc sụp đổ. Trong năm 1999 Viện dân tộc học thuộc Viện Hàn Lâm Cộng hòa Séc mới tìm được cách xuát bản (13).
Từ năm 1986 trở đi trong khoảng 5 năm tôi còn được đi Việt Nam nhiều lần, nào làm phiên dịch cho doàn chuyên gia của Hội đồng Trung ương Công đoàn Tiệp Khắc giúp đỡ thành phố Hải Phòng xây dựng nhà văn hóa hữu nghị Việt Tiệp hay đoàn đại biểu Hội phụ nữ Tiệp Khắc, Đoàn nghệ thuật Tiệp Khắc đi biểu diễn ở Việt Nam, Lào và Căm Pu Chia, nào đi nghiên cứu và dự Hội nghị quốc tế ngôn ngữ học của các nước xâ hội chủ nghìa ở TP Hồ Chí Minh. Cũng trong thời gian đó tôi đi phục vụ nhiều đoàn đại biểu báo chí, phái đoàn của Tổ chức Giáo dục Quốc phòng Nhân dân Việt Nam, và đón tiếp giúp đỡ một số bạn đông nghiệp Việt Nam bảo vệ luận án phó tiến sĩ ở Viện dân tộc học và văn hóa dân gian: GS TS Trịnh Cao Tưởng, GS TS Phạm Đức Thành, GS Nguyễn Tương Lai, GS Châu Thị Hải...
Tôi cũng tham gia tô chức Triển lãm tranh của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh đầu tiên ở nước ngoài tại Praha, tổ chức một buổi biểu diễn chuyên phục vụ công nhân Việt Nam tại Nhà hát lớn của dân tọc Tiệp Khắc tại Praha v. v.
Trong thời gian đó ngoài các nhân vật đã đề cập ở trên tôi còn được phục vụ đoàn đại biểu Quốc hội nước CH XHCN Việt Nam do ông Nguyễn Hữu Thọ dẫn đầu, tổng biên tập báo Nhân dân đồng chí Hồng Hà, phái đoàn của Tổ chức Quốc phòng Nhân dân Việt Nam do thiếu tướng Doãn Tuế làm trưởng đoàn, ở Việt nam được gặp bà Nguyễn Thị Định, chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam.
Hồi đó đoàn nghệ thuật Việt Nam trong đó có ca sĩ Vũ Dậu và Lệ Quyên đẫ tặng tôi tên Việt Nam là Trần Trí Hiền. Cuối thập kỷ 1970 tôi được nhà báo Vũ Kim Hạnh, tổng biên tập báo Tuổi trẻ, phỏng vấn lần đầu tiên về việc tôi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên mỗi khi nào tôi đến Thành phố Hồ Chí Minh tôi được chị mời trao đổi với ban biên tập báo Tuổi trẻ về những vấn đề thời sự.
Tôi cũng được sự giúp đờ thân thiết của các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Duy, Đoàn Minh Tuấn,
Nguyên Ngọc, Bùi Minh Quốc, tác giả Bài thơ về Hạnh phúc mà chúng tôi đã dịch ra tiếng Séc, ông Dương Tất Từ, bạn đồng nghiệp nghiên cứu và dịch nhiều tác phẩm văn học Tiệp Khắc, nhà báo Trần Thị Tuyết Nga… Tôi được gặp nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, đã từng là một trong những người Việt Nam được sớm đi học ở Tiệp Khắc về, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn v.v.
Sau những biến động chính trị lớn ở Tiệp Khắc vào cuối năm 1989, đầu năm 1990 tôi được bộ ngoại giao Tiệp Khắc cử đi đại diện nước Tiệp Khắc trong những ngày Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội. Tôi có bài phát biểu về tư tưởng Không có gì quý hơn độc lập tự do của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Đài truyền hình Việt Nam phát rộng rãi. Chúng tôi được đi thăm Làng Sen, quê Bác. Được tham gia lễ khai mạc triển lãm tranh ảnh giếu thiệu đất nước Tiệp Khắc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong năm đó tôi cũng được tham gia một số hội thảo quốc tế về ngôn ngữ học ở Praha, Dubrovnik (Nam Tư), Mắt Xcơ Va, Warwick (Anh).
Nhưng sau đó, do điều kiện kinh tế, cuộc đời Việt Nam học của tôi lại tạm bị dứt đoạn 5 năm. Nhưng nghề mới ở công ty quốc tế về tư vấn quản lý kinh doanh của các công ty lớn lại dần dần mở cho tôi những khả năng làm việc ở Đông Nam Á chưa từng có. Mặc dù công việc của tôi khó và rất căng thẳng nhưng tôi được hiểu biết rất nhiều về nhiều nền văn hóa qua 3 năm được làm việc ở Đài Loan, Ma Lay Xia và Thái Lan với những chuyến đi Philippin, Singapore và In đô nê xia. Và tôi vẫn tranh thủ tham gia một số hội nghị khoa học quốc tế về ngôn ngữ học ở Kuala Lumpur với những báo cáo khoa học được công bố (14, 15). Tôi nhớ những phút xúc động khi bất ngờ được gặp các bạn đồng nghiệp trong đoàn của Viện Đông Nam Á ở Hà Nội đến dự Đại Hội về tiếng Mã Lai ở Kuala Lumpur vào tháng 8 năm 1995. Và tôi vô cùng biết ơn GS Viện trưởng TS Phạm Đức Thành mời tôi dùng danh nghĩa cộng tác viên nước ngoài cuả Viện Đông Nam Á trong khi tôi tạm không có cơ quan khoa học nào để dựa vào.
Nhờ có những gặp gỡ mới ở Ma Lay Xia tôi được trở về với Việt Nam từ tháng 4 năm 1997 với tư cách là cộng tác viên của ông Ong Soo Hin, người tổ chức khai quật khảo cổ học dưới nước. Dự án tôi được mời tham gia vào là cuộc khai quật một tàu đắm cổ tại vùng biển Cù \lao Chàm dưới sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa Viêt Nam, cơ quan chủ trì là Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam ở Hà Nội. Nhiệm vụ của tôi là dịch các cuộc trao đổi giữa các nhà khảo cổ học nước ngoài với các nhà khảo cổ học Việt Nam và là tư vấn về lịch sử Việt Nam cho các nhà khảo cổ học nước ngoài. Do nhiều khó khăn bất ngờ về kỹ thuật trong cuộc khai quật ngoài khơi với độ sâu ít khi gặp trong các cuộc khai quật dưới nước và với quy mo rất lớn, dự án kéo dài cho đến năm 2000. Lần đầu tiên tôi được sống và làm việc ở Việt Nam suốt 15 tháng liền như ỏ Hội An và tỉnh Quảng Nam tử tháng 4 năm 1999 đến tháng 7 năm 2000. Trong những khoảng giữa các đợt khai quật ở Việt Nam tôi tạm được nghỉ ở Ma Lay Xia và tiếp tục tự học về các linh vực gốm sứ, khai quật dưới nước, lịch sử Ma Lay Xia và tiếng Mã lai. Trong khi ở Việt Nam, tôi được lôi kéo vào tham gia nghiên cứu các hiện vật được trục vớt. Ngay trong cuộc khảo sát di chỉ đầu tiên vào tháng 8 năm 1997 tôi phát hiện loại gốm mỏng chưa từng được đề cập đến trong lịch sử nghiên cứu gốm Việt Nam. Nhờ sự ủng hộ của TS Tóng Trung Tín, đại diện giới khảo cổ học Vệt Nam trong dự án, tôi lại tổ chức được “khai quật trên bàn rửa hiện vật” để phát hiện và sưu tầm các hiện vật nhỏ không phải là gốm, có ý nghĩa để tìm hiểu đời sống các thủy thủ thế kỷ 15. Từ thời kỳ đó tôi có một bài nghiên cứu về gốm mỏng (16), một bài khảo cứu về vấn đề xác định niên đại của tàu đắm được khai quật (17), một bài viết về các tổ chức của người khuyết tật Việt Nam được đăng trong một tập các bài về các tổ chức xã hội ở Việt Nam được trường ĐHTH Úc xuất bản (18) và một bài về vấn đề ngoại giao nhân dân của Việt Nam mà tôi trình bày ở hội nghị Việt Nam học quốc tế ở Hà Nội năm 2000.
Tù tháng 4 năm 2002 tôi nghỉ việc hai năm để chăm sóc bạn đời tôi đang ồm nặng. Bà Zdenka mất vào ngày 23 tháng 3 năm 2004.
Kể từ đó tôi bắt đầu thực hiên ý định trở lại với lĩnh vực ngôn ngữ học và giới ngôn ngữ học Séc và quốc tế. Tôi đã viết và công bố nhiều bài về so sánh tiếng Séc và tiếng Việt bằng tiếng Séc, một bài tương đối có quy mô về loại hình của tiếng Việt bằng tiếng Anh (19), một bài về quá trình hòa nhập một học sinh Việt Nam 10 tuổi vào trường tiểu học rồi trung học cơ sở không bị rớt năm nào cả khi tới nước Séc và chưa biết tiếng Séc, công bố bằng tiếng Hung Ga Ri tại CH Xlô Va Kia (20). Từ năm 2006 cho đến năm 2010 tôi đã tham gia một tập thể các nhà ngôn ngữ học Âu Châu được EU tài trợ về tình hình đa ngữ ở châu Âu với đề tài về tình hình ngôn ngữ trong cộng đồng người Việt Nam ở CH Séc (21). Công trình gần đây nhất của tôi là cuốn sách tự truyện „Cuộc đời đa ngôn ngữ“ đang được chuẩn bị in bằng tiếng Séc. Một số đoạn đã được trích dịch ra tiếng Việt và được báo chí cộng đồng Việt Nam tại CH Séc công bố,
Được chủ tịch Hội người Việt Nam tại CH Séc KS Hoàng Đình Thắng và các bạn khác mời và các đời đại sứ Việt Nam tại CH Séc Bùi Khắc Bút, Vương Thừa Phong và đặc biệt là mới đây đại sứ Đỗ Xuân Đông hết sức khuyến khích, giúp đỡ và ủng hộ, tôi cũng tham gia tích cực một số hoạt động của cộng đồng người Việt Nam ở CH Séc. Tôi đã viết nhiều bài báo bằng tiếng Việt và tiếng Séc cho các báo Việt Nam ở CH Séc và Châu Âu, kể từ năm 2008 tôi được mời làm phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại CH Séc. Đặc biệt sau khi gặp đạo sư Duy Tuê vào đầu mùa hè 2010 ở Tiệp Khắc, người rất tâm đắc với việc nâng cao vị thế của người Việt Nam ở nước ngoài, tôi đã tích cực đề nghị triển khai công tác nâng cao vị thế của cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc và ngày 28 tháng 7 năm 2010 tôi được Hội người Việt Nam tại CH Séc và Đại Sứ quán Việt nam tại CH Séc chính thức mời làm chủ nhiệm dự án của toàn cộng đồng là “Nâng cao vị thế của cộng đồng người Việt Nam tại xã hội của CH Séc”. Giữa tháng 9 năm 2010 Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc chính thức mời tôi trình bày dự án cho phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Phạm Gia Khiêm hồi ngài sang làm việc ở CH Séc.
Nhân dịp ngày kỷ niêm 30 năm hoàn toàn giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước ngày 30 tháng 4 năm 2005 tôi được sở ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh mời tham dự lễ kỷ niệm và nhân dịp đó tôi được cựu phó Chủ tịch nước bà Nguyễn Thị Bình trao tặng Huân chương Hữu nghị do Chủ tịch nước Trần Đức Lương quyết định. Nhân dịp quốc khánh ngày mồng 2 tháng 9 và ngày kỷ niệm nước Việt Nam độc lập 60 tuổi tôi lại được Hội Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam mời sang Hà Nội với bài phát biểu về “Vấn đề tự do trong tập thơ Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh.” Nhân dịp ngày kỷ niêm 35 năm hoàn toàn giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước ngày 30 tháng 4 năm 2010 tôi lại được sở ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh mời tham dự lễ kỷ niệm và được chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân ân cần tiếp đón.
Nhân dịp đoàn đại biểu thành phố Praha đến dự đại lễ kỷ niệm 1000 năm thành lập Thăng Long – Hà Nội tôi được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp vào ngảy mồng 9 tháng 10 năm 2010.
Trong diễn từ này tôi không có dịp đè cập đến những người Việt Nam gần gũi nhất trong đời sống hàng ngày của tôi, đến hàng chục bạn đồng nghiệp Việt Nam đã từng tạo điều kiện cho tôi được tìm hiẻu ngôn ngữ, lịch sử và văn hóa Việt Nam, đến hàng trăm bạn Việt nam tôi thường xuyên hoặc thỉnh thoảng cùng làm việc để giải quyết những vấn đề thời sự trong đời sống hàng ngày của bà con ở nước ngoài. Không kể được hết những tình cảm, những cổ vũ tinh thần và trí thức hết sức phong phú các cuộc gặp gỡ và sinh hoạt chung thường xuyên đem lại cho tôi. Tôi vừa nhận được thư của chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại CH Séc, nhà thơ Đoàn Cát, viết: “Năm mới kính chúc anh sức khỏe, hạnh phúc, Anh sống lâu mãi mãi là người con có hai tổ quốc Việt - Séc, là người anh mang hồn hai dân tộc.“ Trên đời tôi được „sang vì vợ, giàu vì bạn“, nhà thì có phúc vì được con cái giỏi hơn cha, tấm lòng thì biết ơn vố số trường hợp khi đã „nhất tự vi sư, bán tự vi sư“ dù cũng mang nặng nghĩa những bậc thầy xuất sắc, và nhất là khi „nhân sinh thất thập cổ lai hy“ ở 76 tuổi tôi vẫn khỏe,mạnh, „đi cầu khỉ như nông dân“ Nam Bộ và hăng hái làm việc, mong bù lại cho những năm chỉ „nằm gai nếm mật“. May ra hồi đó cũng tích lũy được kinh nghiệm, rèn luyện được tinh thần, mài sắc được ngòi bút..
Ngoài công tác nghiên cứu ngôn ngữ học, giảng dạy và phổ cập văn hóa thường xuyên, ngoài công tác thực hiện dự án “Nâng cao vị thế của cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc” và xúc tiến việc áp dụng phương pháp Thiền minh triết , ngoài việc cộng tác với công trình có ý nghĩa văn hóa và giáo dục Làng Nghề Một Thoáng Việt Nam của bà Trần Thị Tuyết Nga tại Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, và công trình xây dựng trường tư thục đa cấp ở xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình do Việt Kiều CH Séc ông Vũ Xuân Thu cùng cộng sự đầu tư, tôi đang chuẩn bị đối đàu với hai nhiệm vụ hàng đầu mà tôi được tự giao cho mình là: 1. sớm hoàn thành được cuốn Từ điển giáo hóa Séc-Việt và Việt-Séc cùng đồng tác giả Nguyễn Quyết Tiến, 2. tìm cách để sớm công bố báo cáo khoa học đầy đủ của nhà khảo cổ học Anh TS Mensun Bound về cuộc khai quật tàu đắm cổ tại vùng biển, cứu được những tư liệu vô giá đối với dân tộc Việt Nam trước khi việc không may xẩy ra và tư liệu sẽ bị mất mát.
Trong tinh thần đó tôi thành thật cảm ơn Hội đồng khoa học của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đã quyết định cho tôi được chọn trao Giải thưởng về Việt Nam học năm 2011.
Ivo Vasiljev,
Đề ngày mồng 1, tháng 1, năm 2011
Tại Làng nghề Một Thoáng Việt Nam,
Củ Chi, TP Hồ Chí minh
Một số thông tin về Giải thưởng Văn Hóa Phan Châu Trinh năm 2011 như sau:
Một số thông tin về Giải thưởng Văn Hóa Phan Châu Trinh năm nay như sau: