DIỄN TỪ NHẬN GIẢI THƯỞNG DỊCH THUẬT
Phạm Văn Thiều
Kính thưa bà Nguyễn Thị Bình,
chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh,
Kính thưa Quý vị
Hôm nay tôi rất vinh dự và xúc động có mặt ở đây để nhận giải thưởng về dịch thuật năm 2010 của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh. Trước hết, chúng tôi xin chân thành cám ơn Ban lãnh đạo Quỹ cùng Hội đồng giải thưởng của Quỹ đã quan tâm đến mảng sách phổ biến khoa học và đã chọn trao cho tôi giải thưởng cao quý này.
Là một người được đào tạo chính quy để trở thành một người nghiên cứu vật lý lý thuyết, khi tốt nghiệp đại học, tôi không hề có mảy may ý nghĩ rằng mình sẽ trở thành một dịch giả. Bước ngoặt đã đến với tôi vào năm 1982, trong chuyến tu nghiệp tại Phân viện Vật lý lý thuyết thuộc Viện Vật lý Hạt nhân, Đại học Paris Sud. Trong thời gian này tôi đã phát hiện ra rằng ở phương Tây có một kho tàng sách phổ biến khoa học hết sức phong phú và có giá trị. Tôi đặc biệt quan tâm đến loại sách phổ biến do những nhà khoa học lớn còn đang trực tiếp nghiên cứu ở tuyến trước của vật lý viết ra. Đây không phải là loại sách chỉ thuần túy kể những chuyện lạ trong khoa học, mà ở đây những chi tiết khoa học chỉ là một cái cớ để các tác giả-nhà khoa học trình bày những tư tưởng mới nảy sinh, những niềm vui khám phá, những trăn trở và khát khao, cùng những chuyện niềm vui nỗi buồn rất con người của họ. Đa số những tác giả này đều có tài năng văn học, họ là những bậc thầy của nghệ thuật ngôn từ vì biết trình bày những ý tưởng khoa học phức tạp nhất bằng thứ ngôn ngữ giản dị, trong sáng để công chúng có thể lĩnh hội được.
Khi ấy tôi đã 36 tuổi. Nghĩ lại thời còn cắp sách đến trường thiếu thốn sách đọc, và những năm sau này làm công tác giảng dạy cùng nhiều hoạt động khác được thường xuyên tiếp xúc với nhiều thế hệ học sinh trong đó có những em rất xuất sắc tràn đầy khát vọng hiểu biết, tôi càng khát khao muốn mang đến cho các em và thế hệ trí thức trẻ nước nhà nguồn cảm hứng mãnh liệt mà dòng sách trên đã gợi mở. Tôi nghĩ rằng thật sự học sinh Việt Nam của chúng ta hoàn toàn không thiếu tài năng tư duy sáng tạo nhưng thiếu một ngọn lửa để đốt cháy lên và duy trì liên tục niềm đam mê sáng tạo. Và thế là tôi nảy ra ý nghĩ rằng sẽ là hữu ích hơn nếu như tôi dành phần lớn thời gian còn lại của mình để dịch những loại sách phổ biến khoa học cao cấp cho học sinh, sinh viên, vì loại sách tinh hoa này lúc ấy hầu như còn chưa được giới thiệu ở Việt Nam. Đó là dòng sách vừa hấp dẫn vừa giàu chất văn chương chắc chắn sẽ góp phần khơi dậy niềm đam mê khoa học, óc sáng tạo của thanh niên, đồng thời cũng cung cấp cho các em và bạn đọc những kiến thức khoa học mới mẻ nhất đang trở thành văn hóa nền của một người có văn hóa ở các nước tiên tiến. Sau 10 năm chuẩn bị bằng con đường dịch tin khoa học cho các báo, dịch truyện khoa học viễn tưởng, truyện trinh thám và một số truyện ngắn đăng rải rác trên các báo Khoa học và Đời sống, Văn nghệ, Văn nghệ trẻ, v.v, năm 1993 cơ hội đầu tiên đã đến với tôi. GS. Cao Chi tình cờ có được bản photocopy của cuốn Lược sử thời gian của Stephen Hawking và hai chúng tôi đã cộng tác cùng dịch. Mặc dù, nhà xuất bản rất ngần ngại, nhưng quyển sách ra đời đã được đón nhận ngoài sự mong đợi, và cho đến nay đã được xuất bản ở nhiều NXB khác nhau trong nước với tổng số 10 lần in, tương đương với ở nước ngoài. Thành công ban đầu đó đã mang lại cho tôi sự vững tin đi theo con đường mà mình lựa chọn. Cơ may thứ hai là được gặp nhà vật lý thiên văn người Mỹ gốc Việt - Trịnh Xuân Thuận. Sau bản dịch thành công cuốn Giai điệu bí ẩn, ông đã trao cho tôi quyền dịch tất cả các tác phẩm của ông.
Thật may cho tôi là được học ngành Vật lý, một môn khoa học mà ngoài vẻ đẹp tự thân của nó, ngoài những đóng góp làm thay đổi bộ mặt vật chất của thế giới và có tác động to lớn làm thay đổi những hình mẫu tư duy của con người, nó còn có những tác động qua lại rất thú vị đối với các lĩnh vực hoạt động trí tuệ khác, như triết học, toán học, thiên văn và cả ... nghệ thuật nữa. Với những thành tựu to lớn đã đạt được, vật lý học đã mon men tìm cách trả lời những câu hỏi mà con người đã trăn trở từ xa xưa như vũ trụ đã ra đời như thế nào? Rồi sẽ đi về đâu? Sự sống đã nảy sinh ra sao? Và số phận của con người chúng ta ... tức là với tham vọng tìm kiếm nguồn gốc của mọi thứ trên đời, và khi đó vật lý học tất yếu sẽ gặp gỡ tôn giáo. Trong suốt 17 năm dành thời gian lớn cho dịch thuật, tôi đã cố gắng chọn dịch những tác phẩm có giá trị và phản ánh được những mối quan hệ rất phong phú đó:
+ Vật lý – Thiên Văn: hầu hết các tác phẩm của Trịnh Xuân Thuận,
+ Vật lý – Triết học: cuốn Vật lý và Triết học của Werner Heisenberg,
+ Vật lý – Toán học: cuốn Năm phương trình làm thay đổi thế giới của
Michael Guillen, Mật mã của Simon Singh, ...
+ Vật lý – Phật giáo: cuốn Cái vô hạn trong lòng bàn tay của T.X.Thuận,
+ Vật lý – Nghệ thuật: cuốn Nghệ thuật & Vật lý của Leonard Schlain.
Gần đây, để giới thiệu được nhiều hơn những cuốn sách phổ biến khoa học tinh hoa của thế giới và huy động nhiều nghiên cứu sinh ở nước ngoài tham gia, tôi đã cùng hai người bạn là Vũ Công Lập và Nguyễn Văn Liễn thành lập tủ sách Khoa học & Khám phá được bạn đọc rất hoan nghênh.
Vậy là thật ngẫu nhiên, chúng tôi đã có may mắn được đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào việc thực hiện khát vọng khai dân trí của nhà chí sỹ Phan Châu Trinh, người đã coi đó là một trong những nhiệm vụ cấp bách để đưa dân tộc đi lên. Và có lẽ đó cũng là cơ duyên để tôi có vinh hạnh được nhận giải thưởng của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh ngày hôm nay.
Để có được chút ít thành công này, tôi đã mang ơn rất nhiều người. Trước hết, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến hai bậc đàn anh, hai người bạn vong niên đã quá cố, đó là nhà vật lý Đặng Mộng Lân và nhà thơ Lê Đạt, những người đã thường xuyên khích lệ động viên và giúp đỡ tôi kiên định trên con đường đã chọn là dịch sách phổ biến khoa học tinh hoa của thế giới. Tôi cũng vô cùng cám ơn GS. Cao Chi và các bạn Ngô Vũ, Trần Quốc Túy, Phạm Thu Hằng, Phạm Việt Hưng, Trần Mạnh Hà, những người đã nhiều năm cộng tác với tôi một cách rất có hiệu quả. Tôi cũng rất cám ơn NXB Khoa học & Kỹ thuật, NXB Trẻ, NXB Tri thức đã là những bà đỡ tận tình cho các tác phẩm dịch thuật của tôi. Và cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, tôi xin cám ơn những người thân trong gia đình đã thường xuyên động viên tôi và dành cho tôi những điều kiện làm việc tốt nhất, để tôi có được thành tựu ngày hôm nay.
Xin cám ơn các Quý vị !
Một số thông tin về Giải thưởng Văn Hóa Phan Châu Trinh năm 2011 như sau:
Một số thông tin về Giải thưởng Văn Hóa Phan Châu Trinh năm nay như sau: