Ông NGUYỄN VĨNH BẢO

DIỄN TỪ NHẬN GIẢI

VÌ SỰ NGHIỆP VĂN HÓA - GIÁO DỤC

 

Kính thưa Bà Chủ Tịch Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh,

Kính thưa Quý Vị Hội Đồng Khoa Học,

Kính thưa Quý vị Khách mời,

Kính thưa Quý Bạn,

Những món quà thú vị nhứt, là những món quà ngoài sự mong đợt. Tôi rất vui nhận Giải thưởng này và trân trọng nó bởi nó mang tên Nhà chính trị, Nhà yêu nước lớn, nhà văn, nhà thơ PHAN CHÂU TRINH.

Âm nhạc gắn liền với cuộc sống sâu kín của tôi nên tôi ôm chầm lấy nó. Tôi được cái may mắn thụ hưởng một số vốn âm nhạc. Tôi tự cho mình là người cộng tác đương thời, nơi nương tựa của hậu thế.

Như Quý vị biết, hiện nay có một số nhạc từ nước ngoài du nhập vào Việt Nam, làm cho giới trẻ say mê, quay lưng với âm nhạc dân tộc.

Ai ai cũng nhìn nhận nhu cầu tất yếu là bảo tồn Kho tàng âm nhạc mà Cha Ông lưu lại. Nhưng khi nói đến bảo tồn bằng cách nào thì chỉ nói qua loa, do đó giới trẻ không thấy được cái tầm quan trọng của Kho tàng này. Lại thêm một số bậc cha mẹ cho rằng nhạc tây phương hay hơn, chẳng những không khuyến khích con em học đàn dân tộc mà lại còn cấm đoán. Thật ra, chúng ta không thể cho nhạc này hay hơn nhạc kia. Vì nhạc là sản phẩm của xã hội, tiếng nói của một dân tộc. Dân tộc nào đã phát minh ra nó dĩ nhiên là cảm thấy thấm thía khi nghe nó. Thầy dạy đàn thì nhiều, nhưng mỗi cách dạy mỗi thầy mỗi kiểu, không ai giống ai. Đừng nghĩ đó là điều tiêu cực mà phải hiểu lý do tồn tại ngàn năm của nó. Bản đàn không có viết ra, và dù có viết ra thì người đọc vẫn phải học trực tiếp với ông thầy qua cách dạy truyền khẩu, truyền ngón như ngày xưa. Bởi đó là phương pháp hay nhứt, tốt nhứt của truyền thống Việt Nam.

Giáo dục âm nhạc, sử dụng ký âm (solfège) nào cho bản đàn đóng một vai trò rất quan trọng. Có người nghĩ nên mượn ký âm do ré mi fa sol của tây phương. Tôi nhìn nhận ký âm tây phương khoa học và chính xác cho một số trường hợp, không phải cho tất cả. Vì đối với Việt Nam thì vấp phải năm điều bất lợi như sau:

1: Ký âm tây phương chỉ ghi ra cái sườn bản (la mélodie principale de la pièce), không ghi ra cái tinh thần của bản (sentiment de la pièce).

2: Nhạc sĩ tây phương lên dây đàn dựa theo cao độ âm thanh mẫu (diapason), nốt đàn có cao độ cố định (hauteur déterminée). Nhạc sĩ Việt Nam tự ý chọn cao độ mình thích, cao độ nốt đàn khi vầy khi khác. Nếu nốt đàn Việt Nam hò xư xang xê cống, xướng âm là do ré fa sol la  thì người nhạc sĩ tây phương sẽ cho nhạc sĩ Việt Nam hát sai, lên dây đàn sai (fausses notes).

3: Nhạc sĩ tây phương quan niệm bản đàn là một thực thể cố định, bất biến, viết sao đàn vậy. Một bản đàn, nhạc sĩ Việt Nam không chỉ là người diễn tấu đơn thuần mà còn có tính người, theo tâm tư tình cảm trong lúc đàn, ứng tác ứng tấu, tô điểm nốt đàn, để mang lại sức sống mới cho bản đàn. Một bản đàn qua đàn lại đều có ít nhiều khác nhau. Người ta gọi là dị bản, và đánh giá người nhạc sĩ qua những dị bản cá nhân.

5: Nhà trường nếu áp dụng ký âm tây phương là loại bỏ những thầy hay, vô tình triệt tiêu sức sáng tạo của nhạc sinh. Ra ngoài đời nhạc sinh sẽ mất cơ hội học cái hay của từng thầy mà mình muốn học.

Muốn lôi kéo giới trẻ quay về với nhạc Dân tộc thì hãy cho chúng thấy những nét tinh vi, hay ho độc đáo của nhạc Việt Nam. Chương trình giảng dạy phải do người có trách nhiệm về văn hóa, có nắm vững truyền thống, biết hướng đi của nó, biên soạn ra để các nhạc sĩ theo đó mà dạy.

Âm nhạc chung, trách nhiệm chung. Sự đóng góp của mỗi người tuy có khác nhau, nhưng sẽ đuowcj đời sau tôn vinh nếu có giá trị.

Tôi thiết nghĩ cũng càng nhắc nhở giới trẻ là khi vinh danh một nước, người ra nhìn vào cái tinh thần của dân tộc nước ấy, cớ không phải diện tích hay dân số.

Một dân tộc mà đánh mất đi nền văn hóa của chính mình thì việc mất nước e khó trành.

Trân trọng cảm ơn.

Nguyễn Vĩnh Bảo

 

Phần bổ túc

Một bản nhạc tây phương, mọi chi tiết đều được xác định rõ ràng. Người nhạc sĩ tây phương bởi quan niệm nó là một thực thể, cố định bất biến, nên viết sao đàn vậy.

Nhạc truyền thống Việt Nam, không chỉ là người diễn tấu đơn thuần mà còn là người sáng tác tùy hứng ngay trong lúc trinh diễn, theo cảm hứng thoải mái vận dụng tài năng thêm thắt hoa lá vẽ với chấm phá để mang đến cho bản mình đàn một sức sống mới.

Một bản đàn đàn đi đàn lại, mỗi lẫn mỗi khác nhau ít nhiều (gọi là dị bản), người nghe đánh giá nhạc sĩ qua những dị bản cá nhân.

Trong tương quan quốc tế hiện nay, giao lưu văn hóa là trong những nhịp cầu ngắn nhứt để các dân tộc gần gũi với nhau, gắn bó vơi nhau, học hỏi lẫn nhau.

Mọi cải tiến đều nên cả, miễn là đậm nét dân tộc, không tách rời truyền thống, cái hôm nay hơn cái hôm qua là đạt yêu cầu.

Một số người dựa trên âm nhạc tây phương để cho rằng hay hơn nhạc Việt, không nên căn cứ vào truyền thống này để đánh giá một truyền thống khác.

Âm nhạc là sản phẩm của một xã hội, tiếng nói của một dân tộc, dân tộc nào đã phát sinh ra nó, khi nghe nó dĩ nhiên là cảm thấy thấm thía.