Giáo Sư TRỊNH XUÂN THUẬN
DIỄN TỪ NHẬN GIẢI
VÌ SỰ NGHIỆP VĂN HÓA - GIÁO DỤC
Kính thưa quý vị,
Trước hết tôi muốn xin quý vị thứ lỗi cho tôi đã không đích thân về Việt Nam để tham dự lễ trao giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 9, năm 2016. Lý do là vì hiện giờ đang bận giảng dạy tại đại học Virginia và vì đường xá quá xa xôi không thể về Việt Nam trong thời gian ngắn được.
Vì vậy, tôi xin gửi cái video clip này để chia sẻ vài cảm nghĩ của tôi với quý vị. Tôi muốn chân thành cảm tạ ban Giám đốc Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh đã có nhã ý trao giải thưởng "Vì sự nghiệp Văn hóa - Giáo dục" cho tôi. Tôi rất hãnh diện đã được giải thưởng này vì tôi luôn luôn đặt ngang hàng công việc phổ biến khoa học với công việc nghiên cứu và giảng dạy tại đại học Virginia. Tôi may mắn là được làm việc trong một ngành khoa học ai cũng đã có dịp chiêm ngưỡng: bầu trời, ngôi sao và vũ trụ. Chắc chắn là phổ biến về vũ trụ dễ hơn phổ biến về các môn khác như là vật lý hạt nhân chẳng hạn. Ai cũng đã chiêm ngưỡng mặt trăng, mặt trời và các ngôi sao, nhưng rất ít người đã thấy hạt nhân nguyên tử.
Tôi muốn viết cho "những người nghiêm túc" có ham muốn tìm hiểu về thế giới xung quanh, và quan tâm tới những tiến bộ mới nhất trong nghiên cứu vũ trụ, mà không cần có hành trang khoa học của một chuyên gia. Tôi cũng muốn đề cập tới những vấn đề vượt ra ngoài khuôn khổ thuần túy khoa học, nhưng không tránh khỏi được đặt ra trong tất cả các cuộc thảo luận về sự sáng tạo vũ trụ: chúng ta có mặt ở trên thế giới này là hoàn toàn ngẫu nhiên hoăc tất yếu?
Trong suốt tuổi ấu thơ và thanh niên của tôi ở Sài Gòn, vào những năm 50 và 60, một trong những niềm vui lớn của tôi là được đắm mình trong một cuốn sách phổ biến khoa học thật hay. Trong những giờ phút tuyệt vời đó, tôi tạm quên đi thế giới chung quanh hằng ngày, để mặc cho tác giả dẫn dắt mình vào những tình tiết kỳ lạ của vũ trụ cũng như đối với một cuộc điều tra của Sherlock Holmes, tôi hồi hộp theo dõi những diến tiến của các cuộc khám phá khoa học: những dấu hiệu, những giả thuyết, những con đường lầm lạc, những ngõ cụt và những cuộc tranh luận để rồi cuối cùng đạt tới chân lý.
Những cuốn sách phổ biến khoa học mà tôi đã đọc ở tuổi thơ ấu, nhất là mấy cuốn sách của ông Albert Einstein, đã nuôi dưỡng trí tưởng tượng và làm hình thành những suy tư của tôi. Chắc chắn rằng, chúng đã đóng một vai trò to lớn trong việc dẫn dắt những bước đi đầu tiên của tôi đến với khoa học.
Chúng cũng kích thích trong tôi sự ham muốn được đóng vai trò tích cực trong cuộc phiêu lưu vĩ đại của khoa học. Từ đó, tôi đã không ngừng quan sát vũ trụ bằng những kính thiên văn lớn nhất trên mặt đất cũng như trong không gian.
Tôi rất hãnh diện là tất cả các tác phẩm của tôi viết bằng tiếng Pháp đã được dịch ra tiếng Việt Nam nhờ sự tài năng của anh Phạm Văn Thiều (anh này đã được giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh mấy năm trước) các tác phẩm này đã được đón tiếp một cách nồng nhiệt ở phía Tây phương. Tôi sẽ rất sung sướng nếu các tác phẩm có thể nuôi dưỡng sự suy tư và làm thay đổi ít nhiều nhãn quan về vũ trụ của một số người ở Việt Nam.
Bất chấp những thăng trầm của lịch sử, Việt Nam là một đất nước luôn luôn đề cao những giá trị giáo dục và tri thức. Tôi ấp ủ hi vọng rằng tất cả các tác phẩm của tôi sẽ làm nảy sinh ra những chí hướng khoa học của một số bạn trẻ có trí tuệ. Và cũng hi vọng rằng những hạt giống được gieo trong các tác phẩm đó một ngày nào đó sẽ đâm chồi nảy lộc và phát triển thành trái xum xuê.
Xin cảm ơn quý vì và kính chào quý vị!
Một số thông tin về Giải thưởng Văn Hóa Phan Châu Trinh năm 2016 như sau:
Một số thông tin về Giải thưởng Văn Hóa Phan Châu Trinh năm nay như sau: