DIỄN TỪ NHẬN GIẢI
GIẢI VĂN HÓA PHAN CHÂU TRINH 2017
Giáo sư Alexander Woodside
(Giải Việt Nam học) 

 

Tôi vô cùng biết ơn Quỹ Phan Châu Trinh đã trao cho tôi giải thưởng Việt Nam học của Quỹ năm 2017. Tôi cũng xin lỗi vì lý do sức khoẻ (tôi bị viêm khớp nặng) nên không thể đến Việt Nam để nhận Giải thưởng trực tiếp. Nhưng tôi rất cảm kích khi nhận được vinh dự này, và tôi chắc chắn về mặt tinh thần tôi đang ở cùng với quý vị. Sự vinh dự này, đối với tôi, còn lớn lao hơn nữa vì nó được trao tặng ngay ở chính Việt Nam chứ không phải bởi một quốc gia phương Tây nào khác.

Tôi xin có đôi lời về tình trạng “sơ khai” khi tôi bắt đầu bước chân vào ngành Việt Nam học. Khi tôi là sinh viên tại trường Đại học Toronto ở Canada vào cuối thập niên 1950, không hề có khóa học nào về lịch sử hay ngôn ngữ Đông Nam Á. Sau khi tốt nghiệp Đại học Toronto, tôi đến Đại học Harvard vào mùa thu năm 1960. Nhưng ý định của tôi khi ấy là làm tiến sỹ về lịch sử Trung Quốc hiện đại; và Harvard vào đầu những năm 1960 cũng không có bất kỳ khoá học nào về tiếng Việt hay lịch sử Việt Nam. Hơn nữa, lúc đó hầu như không có bất kỳ nghiên cứu nào về lịch sử Việt Nam bằng tiếng Anh.

Luận án tiến sỹ của tôi nhan đề “Việt Nam và Mô hình Trung Quốc” được hoàn thành vào năm 1968, và sau đó cuốn sách với cùng nhan đề được NXB Đại học Harvard xuất bản vào năm 1971. Đến năm 1969, tôi trở thành giáo sư lịch sử ở Harvard, giảng dạy khóa học đầu tiên về Lịch sử Việt Nam cho sinh viên đại học tại đây. Giống như các đồng nghiệp đồng trang lứa ở Mỹ thời đó, bao gồm hai học giả tôi rất ngưỡng mộ là John Whitmore và David Marr, tôi hy vọng rằng sự phổ biến kiến thức về Việt Nam sẽ thúc đẩy sự phản đối của công chúng Mỹ đối với cuộc chiến khủng khiếp mà Lyndon Johnson và Richard Nixon đang gây ra ở Việt Nam.

Nhưng là một công dân Canada, tôi rơi vào hoàn cảnh khó xử. Sự khó xử này gia tăng khi Harvard quyết định tạo ra một ghế giáo sư về Việt Nam học và tiến cử tôi gặp McGeorge Bundy của Quỹ Ford tại New York để xin tài trợ cho ghế giáo sư này. Tại thời điểm này, Bundy là người đứng đầu Quỹ Ford, đồng thời là một người đứng đằng sau kế hoạch chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Tuy nhiên, tôi vẫn kiên trì, và khi chiến tranh gần kết thúc, Harvard đã thành công trong việc tạo lập vị trí giáo sư trong ngành Việt Nam học, đặt dưới tên của Kenneth Young, một nhà ngoại giao nổi tiếng của Hoa Kỳ. Nhưng tôi vẫn quá gắn bó với Canada, vì vậy sau hơn một năm giữ vị trí giáo sư này, tôi rời Harvard vào năm 1975 để trở về quê hương.

Cuốn sách đầu tiên của tôi – “Việt Nam và Mô hình Trung Quốc” – là sản phẩm của thời kỳ chiến tranh Việt Nam khi tôi ở Harvard. Đó là một nghiên cứu chính trị về giai đoạn từ năm 1802 đến năm 1847 của triều nhà Nguyễn. Nếu được viết lại, tôi sẽ bắt đầu bằng cách thay đổi nhan đề cuốn sách. Trước hết, “Trung Quốc” không phải là tính từ thích hợp. Việt Nam thời tiền sử là một phần của một thế giới cổ đại ở Đông Á bao gồm cả Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Nếu như học giả cổ điển Âu châu không coi các triết gia cổ đại châu Âu như Plato và Aristotle như tài sản độc quyền của người Hy Lạp thì các học giả cổ điển Việt Nam như Lê Quý Đôn cũng không tin rằng các nhà tư tưởng cổ đại mà họ nghiên cứu, như Khổng Tử và Mạnh Tử, là tài sản riêng của người Trung Quốc. Thứ hai, quả thật không có một “mô hình” nào trong thế giới cổ đại này. Người Đông Á chia sẻ một môi trường triết học, chính trị và tôn giáo phức tạp và đa nguyên, có nhiều sự đa dạng phong phú các khả năng sáng tạo mà chúng ta gần đây mới bắt đầu hiểu đúng giá trị. Vì vậy, nếu được viết lại, tiêu đề tôi sẽ chọn là “Việt Nam và những cảm hứng cổ điển.”["Vietnam and Its Classical Inspirations"]

Khi tôi đọc các công trình nghiên cứu phong phú về Việt Nam được xuất bản gần đây bởi các học giả trẻ, nghiên cứu trong điều kiện đỡ “nguyên thủy” hơn tôi trước đây, tôi cảm thấy mình giống như một chú khủng long may mắn thoát khỏi sự tuyệt chủng. Nhưng tôi là một con khủng long hạnh phúc: Tôi ngưỡng mộ sự đa dạng và sự tinh tế trong các tác phẩm của các nhà học giả trẻ, luôn đánh giá lại và tiếp tục đánh giá lại.

Các học giả phương Tây nghiên cứu về Châu Á ngày nay thấy mình đang ở trong giai đoạn “sám hối” hậu thuộc địa. Điều này có nghĩa là chúng ta phải đánh giá lại lịch sử các nền văn minh phi phương Tây. Chúng ta từng lên án đế chế Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ vì những vệ binh và hoạn quan tàn bạo; còn bây giờ chúng ta lại có xu hướng coi luật lệ của người Ottoman như là một kỳ công về sự “cộng tồn” về sắc tộc và tôn giáo từ sớm, rất lâu trước khi những lý thuyết “đa văn hóa” tồn tại. Chúng ta từng lên án đế chế Mughal ở Nam Á vì chủ nghĩa độc tài của nó, và sự không khoan dung đối với Hindu giáo của các nhà lãnh đạo Hồi giáo. Giờ đây, một số học giả phương Tây ca ngợi quy tắc của đế chế Mughal trong việc thực hiện những cải tiến về thương mại và tài chính, qua đó giúp cho các sáng kiến thuộc địa của Anh về tổ chức chính phủ Ấn Độ sau này có thể trở thành hiện thực.

Điều này tạo ra những thách thức cho những nhà nghiên cứu lịch sử chính trị của Việt Nam. Làm thế nào để, trong giai đoạn “sám hối” và đánh giá lại hậu thuộc địa này, chúng ta có thể đặt nhiều thể kỷ của đời sống chính trị ở Việt Nam trước năm 1885 vào bức tranh tổng quát của chúng ta về lịch sử Châu Á và thế giới? Rõ ràng là các lý thuyết cũ về hiện đại hóa chính trị lấy Châu Âu làm trung tâm, trong đó tách biệt hai khái niệm “truyền thống”và “hiện đại”, là cục bộ và lỗi thời. Những lý thuyết này đã cầm tù trí tuệ của con người. Ví dụ như việc tuyển dụng các chức vụ dân sự dựa trên các kỳ thi có tính cạnh tranh chỉ xuất hiện trong thế giới các nước nói tiếng Anh vào những năm 1800 (năm 1854 ở Anh, năm 1883 ở Hoa Kỳ). Trong khi đó, các nhà tư tưởng chính trị Việt Nam, Hàn Quốc và Trung Quốc, đã biết đến những cuộc kiểm tra công chức dựa trên tài năng, và đã tranh luận về những điểm mạnh và điểm yếu của phương pháp này từ nhiều thế kỷ trước. Làm thế nào để thay thế các lý thuyết về lịch sử phát triển chính trị lấy Châu Âu làm trung tâm và thoát khỏi những quan niệm tư bản hẹp hòi về “hiện đại”kìm hãm nhận thức của chúng ta về những con đường khác nhau trong lịch sử thế giới?

Đây là một phần nguyên nhân của cuộc chiến chống lại điều mà nhà khoa học chính trị của Đại học Yale - Ian Shapiro - gần đây gọi là cuộc "từ bỏ hiện thực trong khoa học nhân văn". Để kết luận, một lần một sinh viên Việt Nam sau khi tốt nghiệp ghé qua văn phòng của tôi để chào tạm biệt trước khi về nhà. Theo truyền thống Nho giáo cũ về quan hệ giữa sư phụ và đệ tử, anh ấy hỏi tôi: Giờ đây Thầy, như sư phụ của em, phải cho em một “khẩu quyết” để em suy ngẫm trong suốt phần còn lại của cuộc đời. Tôi e rằng ứng khẩu của tôi khi đó chưa xứng với yêu cầu của anh. Giờ đây, những gì tôi có thể nói với một người sinh viên như vậy là: chúng ta mới đang ở giai đoạn bình minh của hành trình thăm dò quá khứ đa dạng của Việt Nam. Việt Nam - với di sản thời đại đồ đồng, với đa sắc tộc và văn hoá, với một nền thơ ca tuyệt vời, với những kỳ công kỹ thuật kỳ diệu của nó như hệ thống đê sông Hồng, truyền thống đông y phi thường, sự đa dạng của các tôn giáo, và sự đấu tranh bất tận về cách thức tạo ra một xã hội công bằng hơn - sẽ gây bất ngờ cho bất kỳ nhà khoa học xã hội nào nghiên cứu nó. Mà nếu như không có sự đánh giá đầy đủ hơn về lịch sử Việt Nam thì chúng ta không thể bắt đầu phát huy được những gì H.G. Wells, trong "Đề cương" của lịch sử thế giới, cho rằng không thể thiếu nếu muốn quản trị thế giới này tốt hơn: đó chính là "một sự diễn giải chung về lịch sử nhân loại" tốt hơn.