DIỄN TỪ NHẬN GIẢI
GIẢI VĂN HÓA PHAN CHÂU TRINH 2018
Nhà nghiên cứu Lữ Phương

(Giải Nghiên cứu)

 

 

Kính thưa Quý vị,

Trước hết cho phép tôi gửi đến các vị phụ trách Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh lời cám ơn đặc biệt vì đã tạo điều kiện cho tôi được đứng ở đây nhận sự vinh danh những bài viết của mình về một đề tài học thuật cực kỳ khó khăn và nhạy cảm là học thuyết Marx. Để đáp lại thạnh tình đó, trong bài phát biểu này, tôi không muốn đi sâu vào cái vấn đề gai góc sẽ làm mất thời giờ của quý vị, mà chỉ xin nói qua cái hoàn cảnh đặc biệt nào trước đây khiến tôi tìm đến học thuyết ấy và cùng với cái hoàn cảnh nào về sau này đã thúc đẩy tôi nhìn lại ngay từ cái nền tảng lý luận đã nâng đỡ nó. Tôi chắc rằng việc nhìn lại ấy không phải chỉ là cái ý hướng của bản thân tôi mà trong một chừng mực nào đó cũng có thể biểu hiện được tâm thức của một lớp người cùng thế hệ với tôi.

Thưa Quý vị,

Như mọi người đều biết, học thuyết Marx đã được du nhập vào Việt Nam không phải trong một hoàn cảnh bình thường của một xã hội  bình thường ở đó người ta có thể coi việc nghiên cứu Marx như một thao tác nghề nghiệp mang tính học thuật hàn lâm thuần tuý. Đất nước bấy giờ chìm đắm  trong bóng tối của sự bất bình thường:  nhà nước dân tộc bị tước mất chủ quyền, nhân dân sống trong nô lệ, trí thức thì  bơ vơ, tuyệt vọng. Chủ nghĩa Marx đã đến với chúng ta  trong tình thế đó, và mặc dù không có đủ điều kiện để tìm hiểu đến nới đến chốn, chúng ta đã tiếp nhận học thuyết  ấy như biểu tượng của sự giải phóng chói loà ánh sáng: không phải chỉ mang đến  cho dân tộc biện pháp xây dựng hiệu nghiệm cuộc sống mới  mà còn giúp người trí thức lấp đầy được cái  khát vọng ngàn đời của mình về sự tồn tại của một trần gian ở đó con người có thể hoà giải vĩnh viễn với nhau. Trong khung cảnh tinh thần đó, việc tìm đến Marx đối với chúng ta đã mang nội dung một cuộc dấn thân toàn diện và triệt để, bấy giờ thường được xưng tụng là “hiện thực và khoa học”, nhưng thực chất lại rất giống với một hình thức tín ngưỡng nào đó, đặt niềm tin tuyệt đối vào một đấng bậc phi phàm có thể dẫn đường một cách kỳ diệu cho các kế hoạch mà chúng ta vạch ra để cải tạo thế giới, làm lại con người.

Bây giờ thỉnh thoảng nhìn lại mọi thứ từ cái thời xa xưa ấy, tôi bỗng có cảm giác như mình đã sống qua một giấc mơ dài, giấc mơ ấy chứa đựng rất nhiều hứa hẹn kỳ vĩ, đẹp đẽ nhưng cũng lại mịt mùng, chơi vơi so với cuộc sống tràn ngập những lo toan tầm thường, vô vị hôm nay. Tuy vậy khi bình tâm suy nghĩ lại mọi thứ về những cái đã qua đó, đặt nó vào cái khung cảnh tổng thể của cuộc chiến đấu vào lúc bấy giờ với những gian khổ, mất mát, hy sinh  triền miên, cái viễn cảnh tuyệt hảo về một xã hội tương lai ấy đã có tác dụng  nâng con người  lên, giúp chúng ta vượt qua những thử thách tưởng như không thể vượt qua được để tiếp tục cuộc chiến đấu và đưa cuộc chiến  đấu đến ngày chung cuộc. Tôi không biết bây giờ trong những bạn bè còn sống của mình có ai, vào một lúc nào đó bỗng chạnh nhớ đến cái giấc mơ thuở đó hay không nhưng bản thân tôi thì không bao giờ quên được: chính giấc mơ ấy đã khuôn nắn  nên con người tôi, giúp tôi biết chia sẻ với đồng loại những ưu tư liên hệ đến số phận chung, không lúc nào từ bỏ cái ý muốn đi tìm một chân trời nào đó xa hơn bản thân mình để cuộc sống thường nhật mang được ý nghĩa nhiều hơn cái nó vốn có.

Thưa Quý vị,

Chính với tâm thế đó, tôi và bạn bè đã theo Marx bước vào cuộc thử thách mới khi đất nước giành lại được quyền tự chủ, thuận lợi cho việc tập trung sức mạnh xây dựng tương lai. Chúng tôi không ai ảo tưởng rằng mọi việc sẽ dễ dàng, do đó đã động viên nhau dùng ý chí quyết tâm để vượt qua khó khăn. Tuy vậy mọi chuyện đã diễn ra không suôn sẻ như kỳ vọng: dần dà qua thời gian, những vấp váp, chệch choạc, sai lầm trong thực hiện cứ lặp đi lặp lại triền miên để rồi dần dà dường như đã tích tụ thành một sự cản phá vô hình, nó tác động vào công cuộc xây dựng, đục khoét đến thối rữa chính cái viễn cảnh tốt đẹp mà Marx đã phác hoạ ra cho chúng ta trong những ngày tranh đấu cũ. Không phải chỉ là sự bất lực trong phát triển kinh tế, xã hội khiến đất nước giẫm chân trong lạc hậu, chậm tiến, mà quan trọng hơn nhiều lần là nó dẫn đến tình trạng những chủ thể của đất nước bị làm cho bệ rạc, ích kỷ, tầm thường, ác độc, khác hẳn với sự hình dung của Marx về hình mẫu một con người tự do, biết sống vì người khác bằng văn hoá và sáng tạo ra văn hoá cho xã hội mới. Hàng loạt những câu hỏi gay gắt liên hệ đến bản thân học thuyết Marx đã xuất hiện từ đó. Tại sao chủ nghĩa Marx được xem là học thuyết vừa khoa học vừa nhân đạo, nhưng đưa vào thực tiễn xây dựng lại sản sinh ra những điều trái ngược như vậy? Có phải là do chúng ta đã vận dụng sai những chỉ dẫn của Marx trong thực hành? Phải chăng chủ nghĩa Marx mãi mãi vẫn chỉ là những giấc mơ, tươi đẹp, nhưng bất khả thi, không thể đem vào thực tế để biến thành một phác đồ làm lại thế giới và cải tạo con người?

Dù có cố gắng đi tìm sự yểm trợ của các loại tài liệu tham khảo nhiều nguồn, tôi vẫn lặn ngụp trong nỗi hoang mang do những câu hỏi ấy đặt ra, suốt một thời gian dài. Phải vật vã thật lâu cuối cùng tôi mới nẩy sinh ra được ý định phải gác lại mọi thứ để tập trung vào việc đọc lại hết những tác phẩm của Marx từ đầu cho đến cuối, xem thực sự Marx đã nghĩ gì, hy vọng qua đó tự mình tìm ra được giải đáp cho những câu hỏi trên đây. Thời gian đánh vật với những trước tác của Marx kéo dài có hơn mười năm, rất khó khăn vì lối viết trừu tượng và nặng nề của ông, do đó thường phải đọc đi đọc lại nhiều lần, cọ xát với những cách đọc khác, rồi nghiền ngẫm thật lâu mới lần dò ra phần nào cái ý hướng nền tảng thể hiện qua cái mạch tư duy của ông. Vấn đề “nghiên cứu chủ nghĩa Marx” với tôi như vậy thật sự chỉ là vấn đề đọc Marx để hiểu Marx cho được mà thôi.  

Thưa Quý vị,

Kết quả của việc tìm hiểu đó, tôi đã trình bày trong một số bài viết, ở đây không có điều kiện để nói rõ nội dung, nên tôi chỉ xin được nhấn mạnh đến một điểm mấu chốt: học thuyết Marx không phải là một khoa học bao gồm những quy luật tất yếu có thể đem ra thực hiện trong các kế hoạch phát triển, cải tạo xã hội một cách nghiêm ngặt. Những kết luận mang tính cách mạng do Marx đề xuất về mặt thực tiễn, thực sự đã được tạo ra bằng một thứ logic  biện chứng về lịch sử đặt nền trên sự tồn tại của hàng loạt những giả định về hiện thực, mà nếu thiếu đi như điều kiện cần và đủ thì những kết luận ấy mãi mãi sẽ chỉ là những giả tưởng, suy đoán mộng mơ; đã như vậy mà cứ nhất quyết đem ra thực hiện cho được trong thực tế thì hệ quả ngược chiều do những kết luận ấy mang lại cho thực tế mới là tất yếu. Có thể do không quan tâm đầy đủ đến tính chất tư biện trong cái logic biện chứng mang tính chất phương pháp luận ấy của Marx, nên những người theo Marx lẫn chống Marx, khi khai thác quá mức những kết luận về thực tiễn của Marx với mục đích bảo vệ hoặc phê phán Marx về mặt chính trị, những người theo hoặc chống Marx đó, theo tôi nghĩ, đã bỏ qua hoàn toàn cái ý nghĩa căn bản, biểu hiện qua toàn bộ những trước tác của ông như một công trình suy tưởng về số phận con người đi xuyên qua các hình thái xã hội lịch sử  do chính mình tạo ra như một quá trình phục hồi lại bản chất của mình.

Khai triển đến tận cùng hậu quả của ý nghĩa căn bản này trong những tác phẩm của Marx, tôi thấy tư tưởng của ông phong phú hơn những kết luận thực tiễn về chính trị của ông rất nhiều: nó biểu hiện nơi sự phê phán của ông về quá trình hình thành các hình thái xã hội ở đó những sản phẩm do con người làm ra cuối cùng biến thành những thực thể kỳ bí, huyễn hoặc, làm cho con người đánh mất bản thân trong chính những sản phẩm đó một cách vô ý thức và trở thành những nô lệ vô ý thức cho những sản phẩm đó. Với Marx, những thực thể làm cho con người xa lạ với sản phẩm do mình làm ra, từ đó xa lạ với cả đồng loại của mình, không phải chỉ là một nền sản xuất chạy theo vật chất đơn thuần mà còn bao gồm cả những biểu tượng tinh thần, do một số định chế văn hoá nào đó tạo ra nữa. Chính cái luận điểm về con người bị tha hoá và tự tha hoá trên con đường đi tìm tương lai cho mình đó mới là nội dung nền tảng, tồn tại nơi tầng sâu nhất trong những trang viết của Marx. Những giải pháp chính trị mà Marx đưa ra có thể không đủ sức mạnh hiện thực để đương đầu với cái hiện thực mà ông phê phán nhưng sự cảnh tỉnh của ông về tình trạng con người tự đánh mất bản chất của mình trong những sản phẩm do mình làm ra, dưới nhiều hình thức, đã mang một ý nghĩa triết học sâu sắc, có thể gợi ra cho chúng ta cái ý thức về sự giới hạn mang tính bản thể luận của mình, trước khi nghĩ đến việc tìm ra các giải pháp cứu chuộc trần tục nào khác, cho cái thế gian mình đang sinh sống.

Thưa Quý vị,

Với mấy suy nghĩ thô lậu ấy, tôi xin phép chấm dứt bài phát biểu này và mong được Quý vị đón nhận những điều đã trình bày, không phải là những kết luận chung cuộc về một đề tài nghiên cứu phức tạp mà chỉ như một trang trải riêng tư một món nợ tinh thần đối với một triết gia đã dai dẳng theo tôi suốt một đời, nay vẫn còn dang dở, chưa trả hết.

Một lần nữa xin cám ơn Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh.

Xin cám ơn Quý vị.