LỄ TƯỞNG NIỆM 80 NGÀY MẤT CỦA HỌC GIẢ NGUYỄN VĂN VĨNH
VÀ QUỸ VĂN HÓA PHAN CHÂU TRINH TRAO CHỨNG NHẬN DANH NHÂN VĂN HÓA VIỆT NAM
Kính thưa các quý vị độc giả!
Ngày 27.4.2016, tại hội trường lớn của khu Biệt thự Hồ Tây, Hà Nội, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đã kết hợp với gia tộc nhà báo – học giả Nguyễn Văn Vĩnh, đã long trọng tổ chức lễ tưởng niệm 80 năm ngày mất của học giả Nguyễn Văn Vĩnh (1936 – 2016) và trao Bản chứng nhận của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, vinh danh nhà báo – học giả Nguyễn Văn Vĩnh là DANH NHÂN VĂN HÓA VIỆT NAM thời hiện đại (Giữa thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX).
Bản chụp bản chứng nhận của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh vinh danh học giả Nguyễn Văn Vĩnh là Danh nhân văn hóa Việt Nam thời hiện đại.
Đến tham gia buổi lễ lịch sử này, ngoài sự có mặt của các thành viên là con cháu, chắt, hậu duệ của nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh, còn có rất nhiều các nhà nghiên cứu khoa học về lịch sử, văn hóa, xã hội, các nhà văn, nhà báo cả Việt Nam và Pháp, là những người đã nhiều năm quan tâm, chú ý tìm hiểu với tấm lòng ngưỡng mộ cuộc đời, sự nghiệp và sự hy sinh trong lao động của nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh.
Anh Nguyễn Lân Tuấn, con trai nhà tình báo Nguyễn Phổ, thay mặt các thế hệ là hậu duệ của gia tộc học giả Nguyễn Văn Vĩnh nhận quyết định vinh danh học giả Nguyễn Văn Vĩnh từ Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh.
Ông Hoàng Vinh, nguyên là giảng viên HVCTQG HCM phát biểu tại buổi lễ tưởng niệm và vinh danh nhà báo – học giả Nguyễn Văn Vĩnh
Cụ Đinh Xuân Mậu, thay mặt các tầng lớp nhân dân Phượng Dưc, Phú Xuyên, Hà Nội, phát biểu tại lễ tưởng niệm và vinh danh nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh
Ông Hoàng Vinh, nguyên là giảng viên của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trong lời phát biểu của mình trước diễn đàn, đã chân thành cảm ơn Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, là Tổ chức đã thay mặt các cơ quan nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, thực hiện một nghĩa cử vô cùng có ý nghĩa trong việc tri ân với các bậc hiền tài của dân tộc, mà vì nhiều lý do, các cơ quan chuyên môn chưa thực hiện được trong những năm qua, để lại sự thiệt thòi cho sự hiểu biết của hậu thế, hạn chế việc học tập các tấm gương tiêu biểu của dân tộc trong lịch sử phát triển văn hóa, trí tuệ.
Cụ Đinh Xuân Mậu, thay mặt bà con dân làng Phượng Dực, quê hương của nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh đã trao tặng gia tộc học giả Nguyễn Văn Vĩnh lẵng hoa chúc mừng vô cùng tươi thắm, cùng lời bày tỏ đầy ân tình của những người dân địa phương với niềm tự hào sâu sắc khi chứng kiến một người con của mảnh đất quê hương được vinh danh là người yêu nước và là Danh Nhân Văn Hóa.
Nhà Văn Nguyên Ngọc, thay mặt Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đọc quyết định vinh danh nhà báo – học giả Nguyễn Văn Vĩnh là DANH NHÂN VĂN HÓA VIỆT NAM.
Thay mặt Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, nhà văn Nguyên Ngọc nhấn mạnh:
“Hôm nay, chúng ta tôn vinh Nguyễn Văn Vĩnh, một nhà hoạt động văn hóa kiệt xuất đã hy sinh trong cuộc đối đầu quyết liệt với chế độ thống trị của thực dân Pháp, ông đã mất như một liệt sỹ văn hóa của dân tộc!”.
BBT Tannamtu.com xin được gửi tới các bạn độc giả một số hình ành của buổi lễ (nguồn ảnh của Nguyễn Đình Toán và Nguyễn Lân Ngọc) cùng toàn văn bài phát biểu của ông Nguyễn Lân Bình, thay mặt các thành viên là hậu duệ của nhà báo – học giả Nguyễn Văn Vĩnh, DANH NHÂN VĂN HÓA VIỆT NAM thời hiện đại được trình bày tại buổi lễ thiêng liêng này.
Trân trọng!
Ảnh chụp kỷ niệm của các hậu duệ trong gia tộc học giả Nguyễn Văn Vĩnh cùng các cụ cao tuổi của các gia đình thông gia với gia tộc tại buổi lễ tưởng niệm và vinh danh nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh
=========================================================
Diễn văn lễ tưởng niệm 80 năm ngày mất học giả Nguyễn Văn Vĩnh.
(1936 – 2016)
Toàn cảnh khán phòng nơi tổ chức lễ tưởng niệm 80 năm ngày mất của nhà báo – học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Hội trường lớn, khu Biệt thự Hồ Tây, Hà Nội
Kính thưa Nhà văn Nguyên Ngọc, đại diện Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh!
Kính thưa các cô, các chú cùng các chị các anh em và các cháu, chắt là hậu duệ trong gia tộc học giả Nguyễn Văn Vĩnh!
Kính thưa các vị khách quý!
Quá khứ của một con người, một gia đình, một gia tộc luôn luôn là một phần của lịch sử đối với một dân tộc, một quốc gia.
Thế kỷ XX của đất nước Việt Nam đã đi qua đầy biến động với những thăng trầm ngập trong đau thương, mất mát và sự ly tán. Những tổn thất qua những cuộc chiến tranh ác liệt sẽ còn đọng mãi trong mỗi con người Việt Nam, gia đình Việt Nam, trong đó có gia tộc của học giả Nguyễn Văn Vĩnh.
Tuy nhiên, những sự tàn phá khốc liệt của hoàn cảnh đã không khuất phục được dân tộc này. Một dân tộc đã vượt qua những thử thách kinh hoàng và tồn tại nhờ có những tố chất đáng quý, trong đó có yếu tố vô cùng hệ trọng, đó là bản sắc văn hóa độc lập, và người đã có đóng góp một phần không nhỏ vào tiến trình hình thành bản sắc văn hóa đó, đó là nhà báo, học giả Nguyễn Văn Vĩnh!
Với 30 năm lao động cống hiến không ngừng nghỉ, Nguyễn Văn Vĩnh đã miệt mài đi trên con đường tạo dựng nền văn hóa chữ Quốc ngữ cho đồng bào mình. Thành qủa này đã được khẳng định không phải bàn cãi về bản sắc văn hóa riêng của một dân tộc: nói thế nào thì viết như vậy!
Sự thật ngoạn mục này đã chứng minh hùng hồn sức sống mãnh liệt, bản năng trường tồn của những giá trị văn hóa, đồng thời cũng là một minh chứng cho tấm lòng thiết tha của mỗi người con dân Việt trong việc xây dựng một nền độc lập không lệ thuộc, đặc biệt là về văn hóa.
Sinh thời, Nguyễn Văn Vĩnh đã tận tụy phấn đấu cho mục đích cao quý này cho đến tận hơi thở cuối cùng, bất chấp những sự chà đạp và cả bổng lộc mê man của các thế lực chính trị cường quyền. Vậy nhưng, dù đã đạt được những kỳ tích trong sự nghiệp khai dân trí, Nguyễn Văn Vĩnh vẫn luôn khẳng định trên tờ nhật báo đầu tiên của lịch sử báo chí Việt Nam, tờ Trung Bắc Tân văn, rằng: Tôi chỉ là người thường – Tôi chỉ là người thường.
Nguyễn Văn Vĩnh đã tự tin tuyệt đối vào những nỗ lực và sự dâng hiến của mình cho nền văn hóa của dân tộc, của đất nước này vì ông tin, sẽ đến một ngày, mai hậu sẽ nhớ ơn những công lao động và đức hy sinh của ông. Sẽ đến một ngày có một tổ chức đầy tính nhân văn, trí tuệ mang tên người đồng chí mà ông từng tâm đắc, tin tưởng, đó là Phan Châu Trinh, mà hôm nay là Quỹ Văn hóa mang tên Phan Châu Trinh. Quỹ Văn hóa đầy tính danh dự và lòng trung thực này đã quyết định vinh danh ông, chiêu tuyết cho linh hồn ông, và khẳng định cuộc đời này nhớ ơn ông, ông là DANH NHÂN VĂN HÓA VIỆT NAM.
Kính thưa vong linh học giả Nguyễn Văn Vĩnh!
Kính thưa các vị quý khách, thưa các thành viên là hậu duệ của Danh Nhân Văn Hóa Nguyễn Văn Vĩnh!
Từ một cõi xa xăm trong vũ trụ, chắc chắn vong hồn người quá cố biết tất cả chúng ta hiện đang có mặt trong khán phòng này, trong giây phút này vì một nỗi niềm tri ân sâu sắc về những di sản văn hóa hiện hữu mà con người đó đã làm bằng tất cả trí lực, tình cảm và tài năng thiên phú của mình, chỉ để mong tạo dựng được một giống nòi khỏe về lực, mạnh về trí, một dân tộc tiến bộ, cơ sở để xây dựng được một đất nước phát triển, đem lại cho tất cả mọi người quyền được sống như nhau.
Nguyễn Văn Vĩnh, ông sẽ mãi mát lòng vì từ những năm tuổi thơ của mình, ông đã miệt mài dịch từ tiếng Pháp,ra cái thứ chữ dễ học cho đồng bào của ông những câu chuyện để đời của một trong những nhà văn Pháp vĩ đại nhất Jean de La Fontaine.
Năm 2008, trong ngày lễ truyền thống Fracophonie 20.3, ngài Abdou DIOUF Tổng thư ký Hội Quốc tế Pháp ngữ, vì cảm cái việc làm đầy tính nhân văn của một con người sinh ra từ cái đất nước tăm tối, đói nghèo, nhưng đã thành công thực sự trong việc chuyển tải những giá trị nội dung của các câu chuyện ngụ ngôn nhờ sự uyên thâm tiếng Pháp của Nguyễn Văn Vĩnh. Ông A. DIOUF đã nhận xét với đầy sự thán phục rằng:
“Nguyễn Văn Vĩnh hiểu được cái thứ tiếng mà, như một trong các ông tổ đã sáng lập ra, cho rằng mang tính nhân văn trọn vẹn và được dệt vòng quanh trái đất.
Jean de La Fontaine đă dùng cái năng khiếu đặc biệt của mình xây dựng nên các nhân vật để qua đó hình thành cách nhìn mang tính triết lý hình tượng khái quát về con người với tất cả thói kiêu căng cũng như sự mực thước”.
Kính thưa các vị khách quý!
Trong các câu chuyện của nhà văn vĩ đại Jean de La Fontaine, có câu chuyện đặc trưng về lòng biết ơn, về đạo lý trong ứng xử đã làm Nguyễn Văn Vĩnh đắm đuối sâu sắc, đó là câu chuyện “Con chó rừng và con cò”.
Từ ngày hôm nay, ông sẽ không còn phải lo lắng, rằng sự vô ơn sẽ xâm chiếm cuộc đời này. Ông đã thật có lý khi cho khảm cả câu chuyện ý nghĩa đó lên đôi ghế tràng kỷ, dùng cho gia đình của mình vào đúng cái năm mà hệ thống cai trị đã chính thức ban hành việc dạy chữ Quốc ngữ thay chữ Nho cho con trẻ trên toàn cõi Việt Nam, đó là năm 1919.
Chúng tôi, hậu duệ trong gia tộc Danh nhân Văn hóa Nguyễn Văn Vĩnh thành thực biết ơn sự nỗ lực tìm hiểu, nghiên cứu, đánh giá của Hội đồng Khoa học về sự nghiệp lao động và những cống hiến liên tục của học giả Nguyễn Văn Vĩnh trong lịch sử phát triển văn hóa Việt Nam ở thế kỷ XX để tôn vinh ông. Quyết định này vô cùng ý nghĩa và là dấu ấn thực sự mang tính lịch sử của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh. Sự kiện này đã chứng minh: Nguyễn Văn Vĩnh là một phần của lịch sử phát triển văn hóa, trí tuệ của dân tộc Việt Nam.
Chúng tôi tin tưởng rằng, một giống nòi, không biết lòng liêm sỷ, không biết niềm tự hào chính đáng về cội nguồn đầy sự kỳ vỹ của mình, đó là sự bất hạnh. Các hậu duệ trong gia tộc học giả Nguyễn Văn Vĩnh sẽ ngày càng gắn bó với nhau hơn nhờ quyết định vinh danh này của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, một tổ chức tiêu biểu, đầy uy tín của các tri thức Việt Nam thời hiện đại.
Chúng tôi xin cảm ơn sự chia sẻ của tất cả các vị khách quý đã đến dự buổi lễ trang trọng lịch sử này, biết ơn tất cả các bác, các cô, các chú, các anh chị em và bạn bè gần xa, trong suốt cả chục năm qua đã giúp đỡ, chỉ bảo, động viên và cả sự bao dung đối với chúng tôi trên con đường dài phục dựng lại chân dung thực của Người Nam mới đầu tiên – Tân Nam Tử – Nguyễn Văn Vĩnh.
Xin kính chúc các quý vị mọi sự tốt lành!
Xin cảm ơn sự chú ý, quan tâm theo dõi của các quý vị và các bạn!
Kính trọng!
Nguyễn Lân Bình.
(Nguồn: tannamtu.com)