TỦ SÁCH TINH HOA THẾ GIỚI

THÔNG SỐ SÁCH

Tên sách: Tâm lý học đám đông

Tác giả: Gustave Le Bon

Dịch giả: Nguyễn Xuân Khánh

Bìa cứng: 304 trang

Khổ sách: 12 x 20 cm

Giá bìa: 85 000 VND

Tủ sách Tinh hoa Tri thức Thế giới

Xuất bản lần đầu năm 2006, tái bản lần I năm 2007, tb lần II năm 2008

SÁCH TÁI BẢN

GIỚI THIỆU CHUNG

Gustave Le Bon (1841 - 1931) là nhà tâm lí học xã hội nổi tiếng người Pháp với lí thuyết về đám đông. Ông viết về nhiều lĩnh vực và có ảnh hưởng rất lớn trong xã hội Pháp đương thời. Những tác phẩm nền tảng nhất của Le Bon là Quy luật tâm lí về sự tiến hoá của các dân tộc (Les Lois psychologiques de l’évolution des peuples, 1894), Cách mạng Pháp và tâm lí học về các cuộc cách mạng (La Révolution française et la psychologie des révolutions, 1912) và Tâm lí học đám đông (La Psychologie des foules, 1895). Các tác phẩm khác của Le Bon bao gồm: Tâm lí học về chủ nghĩa xã hội (Psychologie du socialisme, 1898), Bài học tâm lí từ cuộc chiến tranh châu Âu (Enseignements psychologiques de la guerre Européenne, 1915), Tâm lí học thời đại mới (La psychologie des temps nouveaux, 1920) và Một thế giới mất cân bằng (Le déséquilibre du monde, 1924)...

Le Bon tập trung nghiên cứu về tính cách và tinh thần của các dân tộc, những ưu thế và quá trình phát triển của các chủng tộc. Ông đặt lên hàng đầu khái niệm vô thức tập thể mà chính Freud đã thừa nhận vai trò của nó đối với các nghiên cứu về phân tâm học của mình. Le Bon cho rằng con người được xác định bởi những nhân tố sinh học và tâm lí học. Trong những quy luật lớn thường xuyên chỉ đạo sự tiến triển chung của mỗi nền văn minh, “những cái phổ biến nhất, khó quy giản nhất sinh ra từ cấu tạo tinh thần của những chủng tộc” (Quy luật tâm lí về sự tiến hoá của các dân tộc). Thực ra, mỗi dân tộc “đều có một cấu tạo tinh thần cố định như tính chất giải phẫu học của nó” (sách đã dẫn), được biểu hiện trong “tâm hồn” nó. Tất cả các thể chế, niềm tin, mọi nghệ thuật của một dân tộc, chỉ là “mạng lưới hữu hình trong tâm hồn vô hình của nó”. Chủng tộc cũng núp bóng trong mỗi cá nhân cấu thành một dân tộc; nó chi phối mọi hành động, mọi ham muốn, mọi xung năng của anh ta, nó tạo nên vô thức tập thể của anh ta.

Trong khi đó, thời đại của Le Bon đã chứng kiến bản chất di truyền của chủng tộc bị lung lay với sự lớn mạnh của đám đông và những bất ổn về chính trị, xã hội. Ông đã trải nghiệm qua Công xã Paris năm 1871 và nghiên cứu rất kỹ về cuộc Cách mạng Pháp năm 1789 và 1848. Những trải nghiệm ấy mang lại kinh nghiệm thực tiễn cho việc hình thành tư tưởng về đám đông của ông. Tư tưởng ấy được thể hiện rõ rệt nhất trong tác phẩm Tâm lí học đám đông.

Theo Le Bon, những đám đông luôn bị vô thức tác động, họ xử sự như người nguyên thuỷ, người dã man, không có khả năng suy nghĩ, suy luận, mà chỉ cảm nhận bằng hình ảnh, bằng sự liên kết các ý tưởng; họ không kiên định, thất thường, và đi từ trạng thái nhiệt tình cuồng loạn nhất đến ngây dại ngớ ngẩn nhất. Vả lại, do thể tạng của mình, những đám đông ấy cần có một thủ lĩnh, một người cầm đầu, kẻ có thể dẫn dắt họ và cho bản năng của họ một ý nghĩa. “Những người cầm đầu hiện nay càng có khuynh hướng thay thế quyền lực công thì quyền lực công càng bị chất vấn và suy yếu đi. Sự bạo ngược của những ông chủ mới này làm đám đông ngoan ngoãn vâng lời họ hơn cả khi họ đã từng vâng lời chính quyền’’ (Tâm lí học đám đông, tr.177). Vậy nên, thời hiện đại được định tính bằng sự lên ngôi của những đám đông được người cầm đầu dẫn dắt. Và trong thời đại hỗn loạn và lo âu ấy, bằng việc đánh mất lí tưởng của mình, chủng tộc đã đánh mất tâm hồn mình và lại trở thành đám đông. ”Nền văn minh chẳng có sự cố định nào, bị phó mặc cho mọi ngẫu nhiên. Bọn tiện nhân thành bà hoàng và những kẻ dã man tiến lên” (Tâm lí học đám đông, tr.303).

Ngày nay, lí thuyết của Le Bon vẫn chịu một số chỉ trích. Ông được coi là người đặt nền móng cho chủ nghĩa quốc gia hiện đại. Nhưng dù thế nào đi nữa thì Le Bon cũng chỉ là “con đẻ” của thời đại ông. Nỗi lo sợ về nạn bạo lực, sự hoành hành, chứng khủng bố của những đám đông thể hiện rất rõ trong lí thuyết của ông. Ông dường như đã quá phóng đại về nguy cơ bạo lực và sự vô lí của đám đông. Tuy vậy, cuốn sách này thực sự là tác phẩm quan trọng và có ảnh hưởng lớn tới tư tưởng thời đại của Le Bon nói chung cũng như tâm lí học hiện đại nói riêng. Dù tán thành hay phản đối, dù đôi chỗ Le Bon có phần cực đoan, và những quan điểm, luận thuyết của ông còn phải tranh luận, nhưng NXB Tri thức cũng xin mạnh dạn giới thiệu tác phẩm của Le Bon với độc giả Việt Nam như một cái nhìn tham khảo. Hơn nữa, việc xem xét, tìm hiểu nhiều học thuyết trên thế giới, thậm chí trái ngược, mâu thuẫn với nhau thiết nghĩ là điều rất hữu ích cho các sinh hoạt tri thức của Việt Nam, làm đa dạng hoá và phong phú thêm tri thức của người Việt Nam. Trên tinh thần đó, chúng tôi sẽ tiếp tục cho ra mắt bản dịch cuốn Trí tuệ đám đông (The Wisdom of Crowds), một trong những cuốn sách bán chạy nhất năm 2005, mang một cái nhìn khác với cái nhìn của Le Bon về đám đông, để độc giả có thêm thông tin khách quan về chủ đề này.

Trong khi đọc cuốn sách này, xin độc giả lưu ý rằng cụm từ chủ nghĩa xã hội (socialisme) mà Le Bon nhắc đến ở đây có hàm ý là chủ nghĩa xã hội không tưởng đã tồn tại từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XIX ở Tây Âu, chứ không đồng nghĩa với khái niệm chủ nghĩa xã hội khoa học của Marx và Engels mà Lenin đã vận dụng để xây dựng nên Liên bang Xô viết và trở thành nền tảng tư tưởng của phe xã hội chủ nghĩa được hình thành sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Tháng 6/2006

NXB TRI THỨC

*****

MỤC LỤC

 Lời nói đầu

Dẫn luận

 

Quyển I

TÂM HỒN NHỮNG ĐÁM ĐÔNG

Chương I - Đặc điểm tổng quát của đám đông: Quy luật tâm lí về sự thống nhất tinh thần của đám đông

Chương II - Tình cảm và đạo đức của đám đông

Chương III - Tư tưởng, sự suy luận và trí tưởng tượng của đám đông

Chương IV - Mọi niềm tin của đám đông đều mang hình thức tôn giáo

 

Quyển II

Ý KIẾN VÀ NIỀM TIN CỦA ĐÁM ĐÔNG

Chương I - Những nhân tố xa ảnh hưởng tới niềm tin và ý kiến của đám đông

Chương II - Những nhân tố trực tiếp ảnh hưởng tới ý kiến của đám đông

Chương III - Người cầm đầu đám đông và cách thuyết phục của họ

Chương IV - Những giới hạn về tính hay thay đổi của niềm tin và ý kiến đám đông

 

Quyển III

PHÂN LOẠI VÀ MÔ TẢ CÁC LOẠI ĐÁM ĐÔNG KHÁC NHAU

Chương I - Phân loại đám đông

Chương II - Đám đông bị coi là phạm tội

Chương III - Hội thẩm tòa đại hình

Chương IV - Đám đông bầu cử

Chương V - Nghị viện

 *****

Lời nói đầu

Trong cuốn sách trước[1], tôi đã dành để mô tả tâm hồn của chủng tộc. Bây giờ, tôi sẽ nghiên cứu tâm hồn những đám đông.

Toàn thể những tính cách chung mà sự di truyền áp đặt cho mọi cá nhân của một chủng tộc, tạo thành tâm hồn của chủng tộc đó. Nhưng khi một số cá nhân này họp nhau lại thành đám đông để hành động, thì những quan sát chứng minh rằng chính sự sáp lại gần nhau của các cá nhân sẽ sinh ra một số tính cách tâm lí mới, chúng chồng lên những tính cách của chủng tộc, và đôi khi chúng khác biệt sâu sắc so với tính cách chủng tộc.

Những đám đông được tổ chức luôn có một vai trò đáng kể trong đời sống các dân tộc, nhưng vai trò ấy chưa bao giờ quan trọng như ngày hôm nay. Hành động vô thức của những đám đông thay thế cho hoạt động có ý thức của các cá nhân là một trong những đặc điểm chính của thời hiện tại.

Tôi thử tiếp cận vấn đề khó khăn về đám đông theo các phương cách thuần tuý khoa học, nghĩa là cố gắng có một phương pháp và gạt sang bên những ý kiến, những lí thuyết và những chủ nghĩa. Tôi nghĩ, đó là cách duy nhất để đi tới phát hiện ra được vài mảng nhỏ chân lí, nhất là như ở đây, khi đó là một vấn đề dễ kích động những ý kiến dị biệt. Nhà bác học tìm cách nhận biết một hiện tượng, không cần bận tâm tới các lợi ích mà những ghi nhận của mình có thể đụng chạm. Trong một bài viết mới đây, một nhà tư tưởng nổi tiếng, ông Goblet d’Alviela, nhận xét rằng tôi không thuộc về một trường phái hiện đại nào, đôi khi tôi còn đứng ở phía đối nghịch với một số kết luận của tất cả các truờng phái này. Tôi hi vọng rằng công trình mới này sẽ tiếp tục xứng đáng với nhận xét ấy. Thuộc về một trường phái có nghĩa là nhất thiết gắn bó với những thành kiến và những thiên kiến của trường phái ấy.

Tuy nhiên, tôi cần phải giải thích cho độc giả biết tại sao từ các nghiên cứu, tôi lại rút ra những kết luận khác với những kết luận mà thoạt đầu người ta có thể tưởng chúng hàm chứa ; chẳng hạn nhận thấy một não trạng cực kì thấp kém của những đám đông, kể cả các hội đồng toàn người ưu tú, và tuy vậy lại tuyên bố rằng, mặc dù sự thấp kém ấy, cũng sẽ nguy hiểm nếu động chạm tới tổ chức của chúng.

Đó là vì sự quan sát thật chăm chú các sự kiện lịch sử luôn chỉ cho tôi thấy rằng những tổ chức xã hội cũng phức tạp như tổ chức của mọi sinh vật, chúng ta không có khả năng làm chúng đột nhiên phải chịu đựng những biến đổi sâu sắc. Tự nhiên đôi khi cũng cần đến những biện pháp triệt để, nhưng không bao giờ theo ý của chúng ta; và điều ấy giải thích tại sao không có gì nguy hại cho một dân tộc bằng sự say cuồng những cải cách vĩ đại, dù rằng những cải cách ấy có vẻ tuyệt vời về mặt lí thuyết. Chúng chỉ có ích nếu như ta có thể thay đổi ngay tức thời tâm hồn những quốc gia. Thế mà, chỉ duy nhất thời gian mới có khả năng như vậy. Cái ngự trị con người chính là tư tưởng, tình cảm và tập tục, những điều nằm trong bản thân chúng ta. Còn các thể chế và luật pháp lại là sự biểu hiện của tâm hồn chúng ta, là sự biểu hiện những nhu cầu của nó. Thoát thai từ tâm hồn, những thể chế và luật pháp ắt sẽ không thể thay đổi tâm hồn ấy được.

Nghiên cứu những hiện tượng xã hội không thể tách khỏi việc nghiên cứu các dân tộc, nơi sản sinh ra chúng. Về mặt triết học, những hiện tượng này có thể có một giá trị tuyệt đối, nhưng về mặt thực hành, chúng chỉ có giá trị tương đối mà thôi.

Vậy, khi nghiên cứu một hiện tượng xã hội, cần phải xem xét nó lần lượt dưới hai mặt rất khác nhau. Lúc đó, ta thấy rằng những bài học của lí trí thuần tuý thường rất trái ngược với bài học của lí trí thực tiễn. Hiếm có một dữ kiện nào, kể cả dữ kiện vật lí, mà sự phân biệt này không áp dụng vào được. Đứng ở góc độ chân lí tuyệt đối, một hình lập phương, một hình tròn là những hình hình học bất biến, được xác định chặt chẽ bằng một số công thức. Song, đứng ở góc độ mắt thường, những hình hình học này có thể mang các hình dáng rất khác nhau. Phép phối cảnh có thể biến một hình lập phương thành hình tháp hay hình vuông, có thể biến hình tròn thành hình elip hay đường thẳng; và việc xem xét những hình thức ảo này lại quan trọng hơn rất nhiều so với những hình thức thực, bởi vì chúng là những hình thức duy nhất được mắt ta nhìn thấy và môn nhiếp ảnh lẫn hội hoạ có thể tái tạo được. Cái phi thực, trong một số trường hợp, lại thật hơn là cái thực. Hình dung các đối tượng bằng những hình dáng hình học chính xác của chúng lại làm biến dạng tự nhiên và khiến nó trở nên không thể nhận ra được. Nếu chúng ta giả định một thế giới mà cư dân của nó chỉ có thể sao chép hoặc chụp ảnh sự vật, mà không có khả năng sờ mó vào các sự vật ấy, thì họ sẽ rất khó có được một ý niệm chính xác về hình dáng của chúng. Sự nhận thức về hình thức này chỉ một số ít các nhà bác học là có thể đạt được, vả chăng nó chỉ cho thấy một lợi ích rất ít ỏi mà thôi.

Nhà triết học nghiên cứu những hiện tượng xã hội phải luôn nhớ rằng bên cạnh giá trị lí thuyết, những hiện tượng này còn có một giá trị thực tiễn, và đứng về phương diện tiến hoá của các nền văn minh, thì chỉ riêng giá trị thực tiễn là có tầm quan trọng nào đó. Một ghi nhận như thế khiến nhà triết học phải rất thận trọng trong những kết luận mà ban đầu, quy luật hình như đã áp đặt cho ông ta.

Còn nhiều lí do khác đòi hỏi ông ta phải thận trọng. Các sự kiện xã hội phức tạp đến nỗi ta không thể bao quát tổng thể và không thể tiên đoán hậu quả của những ảnh hưởng tương hỗ giữa chúng. Hình như đằng sau các sự kiện có thể trông thấy được đôi khi còn ẩn giấu hàng nghìn nguyên nhân không thể trông thấy. Những hiện tượng xã hội có thể trông thấy được hình như là kết quả tổng hợp của một công việc vô thức rộng lớn vốn nằm bên ngoài khả năng phân tích của chúng ta. Ta có thể ví chúng như những làn sóng biểu hiện lên trên bề mặt những đảo lộn dưới đáy sâu của đại dương mà ta không hề hay biết. Được xem xét trong phần lớn những hành vi, các đám đông thường cho thấy một não trạng thấp kém đến kì lạ, nhưng lại có những hành vi khác tỏ ra được hướng dẫn bởi nhiều lực lượng huyền bí mà người xưa gọi là số phận, tự nhiên, thiên định, còn chúng ta thì gọi là tiếng nói của người quá cố; sức mạnh của những tiếng nói ấy ta không thể bỏ qua, mặc dù ta không biết bản chất của chúng là gì. Đôi khi hình như trong lòng các quốc gia có những lực lượng ẩn ngầm hướng dẫn đám đông. Ví dụ, có gì phức tạp hơn, logic hơn, tuyệt vời hơn một ngôn ngữ? Và thử hỏi sản phẩm được tổ chức tốt đẹp và tinh tế như thế sinh ra từ đâu, nếu không phải từ tâm hồn vô thức của những đám đông? Những viện hàn lâm thông thái nhất, những nhà ngữ pháp học sáng giá nhất chỉ làm công việc nặng nhọc ghi lại các quy luật đã chi phối những ngôn ngữ này, và họ hoàn toàn không có khả năng sáng tạo ra chúng. Ngay cả những tư tưởng thiên tài của các vĩ nhân, liệu chúng ta có chắc chắn rằng những tư tưởng ấy có chuyên nhất là công trình của riêng họ không? Hẳn nhiên bao giờ chúng cũng được sáng tạo bởi những con người đơn độc; nhưng hàng nghìn hạt bụi mới tạo thành phù sa và chính từ phù sa ấy, những tư tưởng mới nảy mầm. Phải chăng chính tâm hồn của những đám đông đã hun đúc nên chúng?

Chắc chắn đám đông bao giờ cũng vô thức, nhưng chính cái vô thức ấy có lẽ là một trong những bí ẩn của sức mạnh đám đông. Trong tự nhiên, sinh vật chỉ bị chi phối bởi bản năng, chúng thực hiện các hành động mà độ phức tạp kì diệu làm ta phải ngạc nhiên. Lí trí là cái mà nhân loại chỉ mới có được gần đây thôi và còn quá không hoàn hảo để có thể vén lộ cho chúng ta những quy luật của cái vô thức và nhất là thế chỗ cho cái vô thức. Trong mọi hành động của chúng ta, phần vô thức thì to lớn còn phần lí trí thì nhỏ bé. Cái vô thức tác động như một lực lượng hãy còn chưa được biết rõ.

Vậy, nếu chúng ta muốn đứng trong những giới hạn nhỏ hẹp nhưng chắc chắn của các sự vật mà khoa học có thể nhận thức, chứ không đi lang thang trong lãnh địa của phỏng đoán mơ hồ và giả thuyết hư ảo, thì chúng ta chỉ cần xem xét những hiện tượng mà chúng ta có thể hiểu được, và hạn chế chúng ta trong sự xem xét này. Mọi kết luận được rút ra từ quan sát của chúng ta thường chỉ là sơ bộ, bởi vì, đằng sau những hiện tượng mà chúng ta nhìn rõ, còn có những hiện tượng khác chúng ta nhìn không rõ, và thậm chí đằng sau cả những hiện tượng cuối cùng này, lại còn những hiện tượng khác nữa mà chúng ta không trông thấy.

 [1] Le Bon muốn nhắc tới cuốn Quy luật tâm lí về sự tiến hoá của các dân tộc (Les lois psychologiques de l’évolution des peuples), được ông viết năm 1894.

NHỮNG CUỐN SÁCH KHÁC TRONG TỦ SÁCH TINH HOA THẾ GIỚIXem tất cả >>