TỦ SÁCH TINH HOA THẾ GIỚI

I. THÔNG SỐ SÁCH

Tên sách: Nietzsche và triết học

Tác giả: Gilles Deleuze

Dịch giả: Nguyễn Thị Từ Huy

Hiệu đính: Bùi Văn Nam Sơn

Khổ sách: 16x24 cm

Số trang: 288

Loại sách: bìa cứng

Giá: 95.000 VNĐ

Năm xuất bản: 2010

Tủ sách Tinh hoa 

 II. GIỚI THIỆU SÁCH

Với những phân tích chính xác và mang tính phê phán về triết học Nietzsche, Deleuze soi sáng tác phẩm của triết gia này, người vốn thường xuyên bị quy giản về chủ nghĩa hư vô, về ý chí quyền lực và về hình ảnh siêu nhân. Deleuze nhận thấy rằng "triết học hiện đại trình bày những hiện tượng hỗn độn biểu lộ sức sống mạnh mẽ và sự mãnh liệt của nó nhưng cũng chứa đựng những nguy hiểm đối với tinh thần", và nhận thấy rằng dự án triết học của Nietzsche trong việc "vượt qua" siêu hình học có hiệu lực ở chỗ nó "tố cáo mọi huyễn hoặc từng tìm thấy trong biện chứng pháp nơi ẩn náu cuối cùng. Triết học Nietzsche có một khả năng tranh luận rất lớn.

TIỂU SỬ VÀ TÁC PHẨM CỦA GILLES DELEUZE

Gilles Deleuze (1925-1995) là một trong những nhà tư tưởng quan trọng của Pháp ở thế kỷ XX. Năm 1948, sau khi nhận học vị thạc sĩ (agrégation), Deleuze về làm giáo viên của trường phổ thông trung học Amiens. Tiếp đó, ông chuyển về trường trung học Pothier ở Orléan, rồi chuyển sang dạy ở trường trung học Louis le Grand. Năm 1957, ông được nhận làm trợ giảng ở khoa Văn trường Đại học Paris, và bắt đầu tập trung nghiên cứu lịch sử triết học. Năm 1960, ông trở thành nghiên cứu viên của CNRS (Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp). Năm 1964, ông tham gia giảng dạy ở khoa Văn của Đại học Lyon. Năm 1969, Deleuze bảo vệ luận án tiến sĩ văn chương ở Đại học Paris, gồm một luận án chính và một luận án phụ. Luận án chính, Khác biệt và tái lặp, do Maurice de Gandillac hướng dẫn, đã được xuất bản thành sách trước đó một năm, 1968, đó là một trong những cuốn sách thuộc loại khó nhất của ông. Đồng thời, luận án phụ, Spinoza và vấn đề biểu tượng, thực hiện dưới sự hướng dẫn của Ferdinan Alquié, cũng được xuất bản năm 1968. Cùng năm 1969, diễn ra cuộc gặp gỡ có tính chất quyết định giữa Deleuze và Guattari, từ đó hai người đã cộng tác để viết chung nhiều tác phẩm. Sau khi nhận học vị tiến sĩ, Deleuze được bổ nhiệm làm maître de conférence (chức danh ở dưới cấp bậc Giáo Sư, không có tương đương trong hệ thống chức danh của Việt Nam), rồi được bổ nhiệm làm Giáo Sư, ở Đại học Paris VIII. Ông làm việc ở trường đại học này cho đến khi về hưu, năm 1987. Deleuze được sinh viên đánh giá là một thầy giáo tuyệt vời.

Gilles Deleuze - các tác phẩm:

Empirisme et subjectivité. Essai sur la nature humaine selon Hume, Presses Universitaires de France, Paris, 1953.

Nietzsche et la philosophie, Presses Universitaires de France, Paris, 1962.

Triết học phê phán của Kant (La Philosophie critique de Kant), Presses Universitaires de France, Paris, 1963.

Proust et les signes, Presses Universitaires de France, Paris, 1964. – Tái bản. 2010.

Nietzsche, Presses Universitaires de France, Paris, 1965.

Le Bergsonisme, Presses Universitaires de France, Paris, 1966.

Présentation de Sacher-Masoch: La Vénus à la fourrure. Paris, Éd. de Minuit, 1967.

Spinoza et le problème de l’expression, Les éditions de Minuit (coll. “Arguments“), Paris, 1968.

Différence et répétition, Presses Universitaires de France, Paris, 1968.

Logique du sens, Les éditions de Minuit (coll. “Critique“), Paris, 1969.

L’Anti-Œdipe – Capitalisme et schizophrénie 1, viết chung với Félix Guattari, Les éditions de Minuit (coll. “Critique“), Paris, 1972.

Kafka. Pour une littérature mineure, viết chung với Félix Guattari, Les éditions de Minuit (coll. “Critique“), Paris, 1975.

Rhizome, viết chung với Félix Guattari. Paris, Éd. de Minuit, 1976.

Dialogues avec Claire Parnet. Paris, Flammarion, 1977; 2e éd. 1996, coll. “Champs“.

Superpositions, viết chung với Carmelo Bene. Paris, Éd. de Minuit, 1979.

Mille Plateaux – Capitalisme et schizophrénie 2, viết chung với Félix Guattari, Les éditions de Minuit (coll. “Critique“), Paris, 1980.

Spinoza - Philosophie pratique, Les éditions de Minuit, Paris, 1981.

Francis Bacon: logique de la sensation. Paris, Editions du Seuil (coll “L’ordre philosophique“), 1981.

L’image-mouvement. Cinéma 1, Les éditions de Minuit (coll. “Critique“), Paris, 1983.

L’image-temps. Cinéma 2, Les éditions de Minuit (coll. “Critique“), Paris, 1985.

Foucault, Les éditions de Minuit (coll. “Critique“), Paris, 1986.

Le Pli - Leibniz et le baroque, Les éditions de Minuit (coll. “Critique“), Paris, 1988.

Périclès et Verdi. La philosophie de François Châtelet, Les éditions de Minuit, Paris, 1988.

Pourparlers 1972-1990, Les éditions de Minuit, Paris, 1990.

Qu’est-ce que la philosophie ?, viết chung với Félix Guattari, Les éditions de Minuit (coll. “Critique“), Paris, 1991.

“L’Épuisé“, lời tựa cho cuốn Quad của Samuel Beckett. Paris, Éd. de Minuit, 1992.

Critique et clinique, Les éditions de Minuit (coll. “paradoxe“), Paris, 1993.

L’Île déserte et autres textes. Các bài viết và các bài phỏng vấn giai đoạn 1953-1974, Les éditions de Minuit (coll. “paradoxe“), Paris, 2002.Deux régimes de fous. Các bài viết và phỏng vấn giai đoạn 1975-1995, do David Lapoujade công bố, Les éditions de Minuit (coll. “paradoxe“), Paris, 2003.

***

Trích sách: Gilles Deleuze và việc tiếp nhận Nietzsche ở Pháp, Bùi Văn Nam Sơn

2. Việc tiếp thu Nietzsche ở Pháp rất phong phú và phức tạp, đó là chưa nói đến ở Ý và các nước Anh-Mỹ. Riêng ở Pháp, người ta thường chia thành hai xu hướng lý giải lớn: lý giải Nietzsche như là triết gia của sự khác biệt (différence) và lý giải Nietzsche như là nhà siêu hình học hay tâm lý học. Ở xu hướng trước, công đầu thuộc về Gilles Deleuze (Nietzsche như là kẻ sáng lập một nền triết học chống-Hegel của “sự khác biệt và tái diễn”), sau đó là Pierre Klossowski (lấy cảm hứng từ J. J. Rousseau, nhấn mạnh đến sự tương phản bi kịch giữa tính tự phát của cảm năng và tính thuần lý của tư duy trừu tượng), rồi đến Michel Foucault (cái nhìn của Nietzsche về lịch sử như là sân khấu của bạo lực) và Jacques Derrida (cái nhìn của Nietzsche về “trò chơi của “différance” [của sự “triển hạn”/và “khác biệt”]. Xu hướng sau lý giải Nietzsche như là nhà bản thể học về sự khác biệt (Pierre Boudot, Michel Guérin…), hoặc như nhà tâm lý học và nhà giáo dục về sự tự do (Christophe Baroni, Michel Henry…), hoặc như người thiết lập một bản thể học mới mẻ (Jean Granier, Alain Juranville, Éric Blondel…). Trong các trào lưu này, Gilles Deleuze là khuôn mặt tiền phong và nổi bật. Một sự “phân kỳ” làm ba giai đoạn trong hành trình tư tưởng của Deleuze được Raymond Bellour và Francois Ewald đề nghị trong một cuộc nói chuyện với Deleuze vào năm 1988 (và ông không phản đối!) hầu như tương ứng với cái “tam vị nhất thể triết học” nói ở trên. Thời kỳ đầu (“tư duy mới”) là những công trình nghiên cứu về Hume, Nietzsche (Nietzsche và Triết học, 1962), Kant, Bergson, Spinoza với các kết quả được đúc kết trong hai tác phẩm chính yếu (Différence et répétition, 1968 và Logique du sens, 1969) thành một phác thảo có hệ thống về “triết học của sự khác biệt”. Thời kỳ thứ hai (“nhìn mới, nghe mới”) được đánh dấu bằng sự hợp tác với Félix Guattari, nhà phân tâm học, với các tác phẩm: L’Anti-Oedipe. Capitalisme et shizophrénie I, 1972, một nghiên cứu nhỏ về Kafka (1975) và Mille Plateaux. Capitalisme et schizophrénie II, 1980, một sự hợp tác được ông xem là rất có chất lượng triết học, vì đã cùng nhau lý giải thế nào là triết học. Sau cùng, thời kỳ thứ ba (“cảm nhận mới”) là các tác phẩm về hội họa của Francis Bacon (1981) và về điện ảnh (1983, 1985), được ông xem là các “sách triết học” dù với đề tài khá lạ lẫm. Như một sự “tái diễn”, Deleuze viết thêm về Leibniz (1988) cũng như cùng với Guattari viết quyển Qu’est-ce que la Philosophie?, (1991).

3. Nietzsche và Triết học “của sự khác biệt và tái diễn”

Nietzsche, qua tay Deleuze, xuất hiện trên diễn đàn triết học Pháp như là hình ảnh đối ngược với Hegel. Thật ra, đây là phản ứng phê phán của Deleuze và nhiều triết gia thuộc thế hệ ông đối với loạt bài giảng nổi tiếng của Alexandre Kojève vào các thập niên 30 và 40, thế kỷ XX ở Pháp về Hegel và nhất là về quyển Hiện tượng học Tinh thần. Theo Deleuze, Nietzsche hiện thân cho một nền triết học phản đối phép biện chứng về cái Tuyệt đối nơi Hegel, với danh xưng khá khiêu khích như một môn “vật lý học” (physique) về sự tồn tại của lực (sức mạnh), về sự vận động và sự trở thành, tách rời với truyền thống siêu hình học Âu châu vốn xem sự tồn tại của tính đa tạp, tính khác biệt và sự vận động như những gì xuất phát từ một nguyên tắc thống nhất đứng cao hơn tồn tại ấy. Nguyên tắc siêu hình học cổ truyền này nói lên sự thống nhất của một cái tĩnh tại, tự quan hệ với chính mình. Trong khi đó, “Vật lý học” của Nietzsche đứng trong truyền thống phê phán của Kant, bác bỏ mọi thứ siêu hình học giáo điều đề cao sự ổn định, trật tự, hoàn tất. Và bởi lẽ những tính quy luật của kinh nghiệm không còn được quy về một nguyên tắc siêu việtcủa sự ổn định, trật tự nào nữa, nên triết học của Nietzsche, về bản chất, là có tính kinh nghiệm chủ nghĩa và tự nhiên chủ nghĩa. Triết học, dưới mắt Nietzsche, đã biến đổi từ một hoạt động để kiến tạo nên trật tự, gắn liền với các quy tắc của sự thống nhất và sự đồng nhất, thành một nghệ thuật của việc diễn giải đa dạng. Do mở ngỏ trước cái đa tạp sống động của những ý nghĩa, “nghệ thuật” ấy là cái bảo đảm duy nhất cho sự tự do tinh thần: với sự “vui hưởng sự khác biệt” (jouissance de la différence), nó giành thắng lợi trước cái tồn tại dửng dưng, tĩnh tại và đồng thời mang lại chất lượng “thẩm mỹ-bi kịch” của sự “vô trách nhiệm tuyệt đẹp” cho đời sống cá nhân.

Nếu triết học Hegel nhấn mạnh đến “tính phủ định” và “lao động của cái phủ định” thì Nieztsche phát triển một logic học hoàn toàn dị loại: logic của sự khẳng định thuần túy. Nó cũng còn được gọi là logic học của Dionysos, “nói vâng” không hạn chế với cuộc sống như là với sự thống nhất thẩm mỹ-bi kịch giữa tai biến và tính năng sản. Khái niệm trung tâm của nó về sau sẽ là học thuyết về ý chí quyền lực. Học thuyết này - trong các tác phẩm thời kỳ giữa của Nietzsche - được chuẩn bị dựa theo mô hình của sinh thể hữu cơ, vì sinh thể chỉ có thể được hiểu như là “sự đa tạp và phức tạp của những sức mạnh không thể quy giản được”. Các sinh thể tạo nên một quan hệ tương tác phức tạp từ những sức mạnh hoạt năng và phản ứng. Sự thống nhất của chúng không tuân theo các quy tắc của “sự đồng nhất logic”, của “đẳng thức toán học” hay của một “sự cân bằng vật lý”, trái lại, tiền-giả định một năng lực liên tục tạo ra sự khác biệt. Nguyên tắc hữu cơ “tái tạo cái khác nhau” và việc “lặp lại sự khác biệt” – do nguyên tắc ấy đảm bảo – có thể mang một tên gọi khác: sự quy hồi vĩnh cửu của cùng một cái. Nó biểu thị một sự tổng hợp hoạt năng – như là “cơ sở của cái khác nhau và của việc tái tạo cái khác nhau” – dựa trên “một nguyên tắc về cơ bản là mềm dẻo”7. Nietzsche gọi nguyên tắc ấy là ý chí quyền lực theo nghĩa rằng: ý chí là tác nhân của một sự tổng hợp đa dạng giữa những sức mạnh. Nhưng, vì lẽ ý chí – trong quan hệ với cái được nó tổng hợp – không phải là một đại lượng siêu việt, bất động, không phải là “cơ quan thẩm quyền” (instance) đứng lên trên sự vận động, nên ý chí ấy là động lực của một vận động xâm hấn-phê phán, phá hủy mọi hình thái của một sự tồn tại cứng đọng. Nó tự bảo tồn trong hoạt động này như là “yếu tố khu biệt [hay dị biệt hóa] của những sức mạnh đang ở trong quan hệ với nhau, và, qua đó, là mô hình cơ bản của một sự biến thể (métamorphose) liên tục của chính nó”.

Triết học của Nietzsche về ý chí quyền lực, về cơ bản, là một phả hệ học (généalogie) của ý chí quyền lực. Phả hệ học nằm trong khuôn khổ một lý thuyết về sức mạnh hữu hạn. Lý thuyết ấy sẽ được mở rộng thành một lý thuyết văn hóa và lịch sử văn hóa (nhờ vào một “loại hình học”). Lực hay sức mạnh hữu hạn thể hiện trong các thể cách (modus) hoạt năng và phản ứng, trong đó không một thể cách nào giữ vị trí của một đại lượng tuyệt đối cả. Ở một sức mạnh hữu hạn, hoạt năng tất yếu gắn liền với phản ứng và ngược lại. Bởi lẽ: tính hoạt năng thuần túy là thuộc tính của một sức mạnh vô hạn, còn tính phản ứng thuần túy ắt sẽ là sự tiêu biến hoàn toàn của sức mạnh. Vì thế, sức mạnh của con người có thể thực hiện hai hình thức khác nhau của tính phản ứng. Hình thức thứ nhất – như là “cái vô thức phản ứng – tự giới hạn trong một hoạt động phản ứng-tiêu cực. Hoạt động này chuyển hóa toàn bộ những kích thích từ bên ngoài thành một hình ảnh của biểu tượng có thể gây dấu ấn lâu dài lên ký ức. Dưới sự thống trị của hình ảnh ký ức, cơ thể con người không còn phản ứng trước ấn tượng sống động trực tiếp của kinh nghiệm mà chỉ phản ứng đối với dấu vết được kinh nghiệm bảo lưu ở trong ký ức. Khác với loại hình phản ứng thụ động này là năng lực phản ứng tích cực trước những kích thích đang diễn ra đối với sinh thể hữu cơ. Sự khác biệt tất yếu giữa hai loại hình này của tính phản ứng được duy trì nhờ vào sức mạnh hoạt năng của năng lực quên. Việc quên một cách tích cực sẽ ngăn cản sự xuất hiện của tính phản ứng thụ động. Ở đây, quên hay nguôi quên không phải là biểu hiện của một tình trạng thiểu năng về tinh thần, trái lại, quên là “nghệ thuật” chuyển trao một “yếu tố hóa học cơ động và nhẹ nhõm” (un élément chimique mobile et léger) vào cho cái ý thức vốn có xu hướng tĩnh tại và ổn định, cũng như vào cho những dấu vết kinh nghiệm đã được bảo lưu trong ký ức. Nếu việc quên (một cách tích cực) này bất thành, dấu vết chết chóc của những sự cố quá khứ sẽ tiếp tục chiếm chỗ của sự kích thích trực tiếp. Bị cái “vô thức-phản ứng” thống trị, sức mạnh của con người rơi vào một “sự triển hạn vô tận”, và, qua đó, bị cố định hóa trong một kiểu phản ứng được Nietzsche gọi là sự phẫn hận (ressentiment).

Sự phẫn hận hình thành theo một logic của việc “chuyển dịch phản ứng” được Deleuze phân tích thành ba bước. Trước hết, nó “phát minh” ra phạm trù nhân quả. Dựa vào đó, việc biểu lộ của một sức mạnh được diễn giải như là kết quả của một nguyên nhân khác với sự biểu lộ ấy. Trong bước thứ hai, sự phân ly giữa sức mạnh và kết quả-tác động được tăng cường bằng cách du nhập phạm trù bản thể. Qua đó, sức mạnh có được một cơ chất (substrat) để có thể tự do tự biểu lộ ra hay là không. Trong bước thứ ba và sau cùng, chính phạm trù về sự quy định qua lại giữa nguyên nhân và kết quả tìm cách đánh giá tiến trình biểu lộ của sức mạnh theo kiểu luân lý. Chỉ khi sự phẫn hận đã dựng lên được một sự khác biệt về nguyên tắc giữa sức mạnh và biểu hiện của sức mạnh, thì bấy giờ một sức mạnh có thể bị xem là tội lỗi khi nó hành động và được xem là thiện hảotốt lành khi nó khước từ một phản ứng tích cực dưới những điều kiện nhất định. Ngay từ trong tác phẩm đầu tay (“Sự ra đời của bi kịch”), Nietzsche đã thử áp dụng một phương pháp kịch tính hóa vào cho tiến trình chuyển dịch các sức mạnh dưới tác động của sự phẫn hận. Phương pháp ấy khác về chất với sự quy định theo kiểu siêu hình học cổ truyền: thay vì đặt câu hỏi về bản chất của một sự vật, Nietzsche đặt câu hỏi về “thủ phạm”, về kẻ khai sinh cụ thể ra nó. Ở đây, là câu hỏi: Ai là “nghệ nhân” của sự phẫn hận”?

Nietzsche trả lời câu hỏi này bằng một thứ loại hình học (typologie) phức hợp về người giáo sĩ Do thái giáo-Kitô giáo. Loại hình học này tuyệt nhiên không mang màu sắc chủng tộc hay sinh học, mà là cơ sở kiến trúc luận cho một lý thuyết về văn hóa, nghĩa là soi sáng logic của sự phẫn hận bằng kích thước nhân học-lịch sử. Khi còn là hoạt động tiền-sử, văn hóa chính là sự lựa chọn và thực hiện cho bằng được những quy phạm, qua đó phân biệt đời sống con người với mọi vật. Bên trong hệ thống quy phạm đã được xác lập ấy, loại hình “giáo sĩ” phát triển những phương tiện quyết định để “nội tâm hóa” hay “nội hiện hóa” hệ thống ấy, bởi nếu không, tính quy phạm ấy không thể có tác dụng lâu bền. Người giáo sĩ “phát minh” ra một phương pháp được thừa nhận công khai để quy kết tội lỗi, hình phạt, và, qua đó, tạo nên một mẫu người chịu trách nhiệm luân lý: nhìn lại tình trạng “vô-trách nhiệm tuyệt đẹp” trước đây, con người chỉ còn một cảm giác duy nhất, đó là sự xấu hổ và mặc cảm tội lỗi.

Nietzsche xem nền văn hóa cho tới nay là một không gian được tạo ra một cách giả tạo, trong đó quy tắc về tính trách nhiệm cá nhân đã toàn thắng trong sự tuân phục cái phổ biến mang tính tôn giáo, siêu hình học hay chính trị. Vì thế, văn hóa – hay như cách nói của Rousseau: “état de civilisation” (“tình trạng văn minh”) –, về nguyên tắc, là một sự “giải-tự nhiên hóa” sức mạnh của con người. Nhìn một cách nghiêm khắc, không thể bảo lịch sử của văn hóa là một lịch sử của sự tiến bộ, vì nó chỉ vĩnh viễn hóahành vi phá hủy, “qua đó những sức mạnh [đơn thuần] phản ứng chiếm lĩnh nền văn hóa hay biến nền văn hóa thành cái gì có lợi cho chúng”. Lịch sử văn hóa hình thành một không gian khép kín của tính quy tắc và tính trật tự cứng đờ. Trong thực tế, chính quy tắc hư vô chủ nghĩa đã hoành hành để hủy hoại sức mạnh: sự hủy hoại ấy đã từng quy định số phận của “con người luân lý”từ thời tiền sử và đạt tới đỉnh cao trong “con người cuối cùng” đang mong chờ một thứ hạnh phúc được cơ giới hóa trong nền văn hóa hiện đại. Vì thế, lịch sử văn hóa cũng có thể được xem như lịch sử về cái chết của Thượng đế. Thượng đế, trong thời hiện đại, bị tước bỏ hết sinh khí, nhường ngôi cho “con người cuối cùng” với những mơ ước hạnh phúc nhỏ nhoi, yếu đuối. Với chiến thắng của “con người cuối cùng”, nguyên tắc hoạt năng của việc sản sinh ra sự khác biệt đã biến mất khỏi lịch sử, khiến cho nhân loại bị “luân lý hóa” hoàn toàn có nguy cơ rơi trở lại vào trong trạng thái chết cứng của một cái tồn tại bất-phân biệt.

Tuy nhiên, trong dự cảm của Nietzsche cũng như trong nhận định của Deleuze – khác với lý thuyết phê phán văn hóa nhuốm màu bi quan của Theodor W. Adorno và Max Horkheimer –, không gian văn hóa cho tới nay không chỉ là miếng đất của sự vô vọng hay của sự “buồn chán” trước khả thể đã trở nên không thể thực hiện được. Trong không gian văn hóa ấy, hầu như một loại “hoa quả chín muồi nhất” của nó, tức “cái cá nhân có chủ quyền, cái cá nhân tự trị… chỉ ngang bằng với chính mình”, đã tự giải phóng khỏi nền đạo đức thông tục, đã khắc phục được căn bệnh của chủ nghĩa hư vô để mang hình thái của “siêu nhân”, khác biệt về chất với con người yếu đuối của nền văn hóa trước nay. Cá nhân chủ quyền, tự trị, mang tính “siêu nhân” này sẽ khởi động trở lại “cái cơ chế khu biệt hay khác biệt” đã bị logic của sự phẫn hận dồn nén. Cá nhân ấy tuyệt nhiên không đề xướng một thuyết đa nguyên về giá trị theo nghĩa hoài nghi, chỉ biết phục tùng nguyên tắc thẩm mỹ tùy tiện và sự bất tất của hoàn cảnh, trái lại, nó sử dụng trở lại Ý niệm của Platon trong Cộng hòa (Politeia): “Ý niệm về một quyền lực chọn lọc của sự đào luyện/văn hóa” (paideia): quyền lực này, khác với thời kỳ tiền-sử ban đầu của lịch sử giống loài, bây giờ được sử dụng để dành ưu tiên cho sức mạnh hoạt năng-phản ứng. Trong tính hoạt năng của mình, sức mạnh của cá nhân “siêu nhân” chỉ phục tùng quy tắc thực hành của ý chí, quan hệ với chính mình một cách khẳng định, đó là quy tắc của sự quy hồi vĩnh cửu: điều ngươi muốn thì hãy muốn sao cho qua đó ngươi đồng thời cũng muốn sự quy hồi vĩnh cửu của ý chí ngươi. Trong diễn giải của Deleuze, sự quy hồi vĩnh cửu không mang ý nghĩa vũ trụ học cho bằng một nguyên tắc kịch tính, có năng lực làm cho ý chí trở thành sức mạnh sáng tạo đầy chủ quyền. Ngay cả tư duy – như là hình thức cơ bản của cái muốn thuần túy phản ứng – cũng được “siêu nhân”, nhân danh sự quy hồi vĩnh cửu, đưa trở lại vào trong đời sống như là hình thức cơ bản của cái muốn phản ứng-hoạt năng. Theo Deleuze, sự tăng cường hỗ tương giữa tư duy và đời sống, bên cạnh ý nghĩa thực hành ấy, cũng còn có một ý nghĩa bản thể học. Nó đặt sức mạnh hữu hạn của con người vào tình trạng của một tính hoạt năng, mang phẩm chất của cái tồn tại kiểu Dionysos được khôi phục, sau khi đã bị loại trừ ra khỏi không gian văn hóa bị giải-tự nhiên hóa và quy phạm hóa trước đây. “Siêu nhân” nhận thức và hành xử như là kẻ gánh vác một cách độc lập-tự chủ một năng lượng “vật lý” làm thăng hoa cá nhân tính của mình, đồng thời mang lại một tính chất “thần thánh” của một sức mạnh Dionysos, không chỉ cho mình mà cho toàn bộ tồn tại. Deleuze – trong viễn tượng ấy của Nietzsche – không chủ trương một bản thể học không cần một tiền-giả định nào. Trái lại, bản thể học ấy chỉ có ý nghĩa từ viễn tượng của việc thực hiện sức mạnh khác biệt, đối lập với tư duy đồng nhất hóa, toàn thể hóa của siêu hình học cổ truyền.

*****

MỤC LỤC

Gilles Deleuze và việc tiếp nhận Nietzsche ở Pháp    

Vài lời của người dịch           

Tiểu sử và tác phẩm của Gilles Deleuze        

Bảng viết tắt   

Chương I

BI KỊCH

Khái niệm phả hệ       

Ý nghĩa          

Triết học về ý chí       

Chống biện chứng pháp         

Vấn đề bi kịch

Sự phát triển của Nietzsche   

Dionysos và Jésus Christ       

Bản chất của bi kịch   

Vấn đề tồn tại

Đời sống và sự vô tội 

Cú gieo súc sắc          

Những hậu quả đối với sự quy hồi vĩnh cửu 

Chủ nghĩa tượng trưng của Nietzsche           

Nietzsche và Mallarmé           

Tư duy bi kịch

Hòn đá thử vàng        

Chương II

HOẠT NĂNG VÀ PHẢN ỨNG

Cơ thể 55

Sự phân biệt các sức mạnh    

Lượng và Chất           

Nietzsche và khoa học            
Phương diện đầu tiên của sự quy hồi vĩnh cửu: với tư cách là vũ trụ học và vật lý học       

Ý chí quyền lực là gì?            

Hệ thống thuật ngữ của Nietzsche    

Nguồn gốc và hình ảnh lộn ngược     

Vấn đề đo lường các sức mạnh          

Thứ bậc          

Ý chí quyền lực và tình cảm quyền lực         

Sự-trở-thành-phản-ứng của các sức mạnh     

Tính hai mặt của ý nghĩa và giá trị     

Phương diện thứ hai của sự quy hồi vĩnh cửu: với tư cách là tư tưởng đạo đức và chọn lọc           

Vấn đề sự quy hồi vĩnh cửu   

Chương III

PHÊ PHÁN

Sự biến đổi của các khoa học về con người   

Hình thức biểu đạt câu hỏi ở Nietzsche         

Phương pháp của Nietzsche  

Chống lại các bậc tiền bối      

Chống chủ nghĩa bi quan và chống Shopenhaueur    

Các nguyên tắc dành cho triết học về ý chí   

Sơ đồ của “Phả hệ luân lý”    

Nietzsche et Kant, nhìn từ các nguyên tắc    

Thực hiện phê phán    

Nietzsche và Kant, nhìn từ hệ quả     

Khái niệm sự thật       

Nhận thức, luân lý và tôn giáo           

Tư duy và đời sống

Nghệ thuật     

Hình ảnh mới của tư duy

Chương IV

TỪ PHẪN HẬN ĐẾN MẶC CẢM TỘI LỖI

Phản ứng và phẫn hận

Nguyên tắc của phẫn hận       

Loại hình học về phẫn hận     

Các đặc điểm của phẫn hận    

Nó tốt? Nó độc ác?    

Ngộ biện        

Sự phát triển của phẫn hận: giáo sĩ Do thái   

Mặc cảm tội lỗi và nội tâm     

Vấn đề nỗi đau           

Sự phát triển của mặc cảm tội lỗi: linh mục Kitô giáo           

Văn hoá nhìn từ quan điểm tiền sử    

Văn hoá được xem xét từ quan điểm hậu- lịch sử     

Văn hóa xem xét từ quan điểm lịch sử          

Mặc cảm tội lỗi, trách nhiệm, tội lỗi  

Lý tưởng khổ hạnh và bản chất của tôn giáo

Chiến thắng của các sức mạnh phản ứng       

Chương V

SIÊU NHÂN: CHỐNG BIỆN CHỨNG PHÁP

Chủ nghĩa hư vô        

Phân tích về lòng thương       

Chúa đã chết  

Chống chủ nghĩa Hegel         

Những biến thể của biện chứng pháp

Nietzsche và biện chứng pháp

Lý thuyết về con người thượng đẳng

Phải chăng con người, về bản chất, là có tính “phản ứng”?  

Chủ nghĩa hư vô và sự chuyển hoá: tiêu điểm           

Khẳng định và phủ định         

Ý nghĩa của khẳng định         

Sự khẳng định kép: Ariane    

Kết luận         

NHỮNG CUỐN SÁCH KHÁC TRONG TỦ SÁCH TINH HOA THẾ GIỚIXem tất cả >>