I. THÔNG SỐ SÁCH
Tên sách: Socrates tự biện
Tác giả: Plato - Xenophon
Dịch giả: Nguyễn Văn Khoa
Tủ sách: Tinh hoa
Loại sách: Bìa mềm
Số trang: 156 trang
Khổ sách: 12 x 20 cm
Giá bìa: 22. 000 VND
Xuất năm 2006
II. GIỚI THIỆU SÁCH
… “Trong Cuộc đời, tư tưởng và phát biểu của các triết gia xuất sắc (Vie, doctrines et sentences des philosophes illustres, khoảng đầu thế kỷ III sCN), Diogenes Laertius kể rằng khi biện sĩ tiếng tăm Lysias đưa cho Socrates xem bài cãi mà y đã viết cho ông để đọc trước tòa như luật pháp cho phép, triết gia đã từ chối vì nó có tính chất pháp lý hơn là triết lý: “Diễn từ của bạn hay lắm, Lysias, đáng tiếc là nó không hợp với tôi” – “Sao? Nếu diễn từ của tôi hay, sao nó lại không thích hợp được?” – “Được chứ sao không! Quần áo và giày dép có thể tuy đẹp mà vẫn không hợp với tôi. Ở đây cũng y hệt như vậy”.
Nếu Socrates không muốn một bài tự biện pháp lý khi tự bênh vực mình trước tòa, triết gia còn gì để nói ngoài triết lý? Rốt cuộc, ông đã dùng phiên tòa xử ông như một diễn đàn để gửi đến những người xét xử ông, và qua họ đến các thành quốc Hy Lạp, rồi qua các thành quốc này đến thế giới đương thời và cả mai hậu, một thông điệp. Được Plato ghi lại như “huyền thuyết lập ngôn của triết học”, nó không ngừng chất vấn lương tâm con người, và đặt ra một câu hỏi lớn về công lý cho mọi chế độ chính trị.
Đồng thời, với nó Socrates trở thành một mẫu mực bất tử. Bởi vì Socrates đã trở thành biểu tượng của nhiều mặt người, như chúng ta có thể dễ dàng nhận diện qua những dòng dưới đây, trích dẫn từ bản dịch tác phẩm của Plato mà quý độc giả đang cầm trong tay:
Socrates là triết gia đầu tiên. Vì Socrates đã dám xác lập “sống” đồng nghĩa với “triết lý”. “Thưa quý đồng hương, tôi kính yêu quý vị, nhưng tôi quyết vâng lời Thần hơn là tuân lệnh quý vị, và khi nào còn chút hơi sức, tôi sẽ không ngừng sống đời triết gia, khuyên nhủ và khuyên cáo quý vị (tr. 87) rằng phải tự xét mình và xét người, bởi vì sống không suy xét không đáng gọi là sống” (tr. 116).
Socrates là nhà nhân quyền đầu tiên. Vì Socrates đã dám xác lập tự do tư duy, tự do phát biểu, tự do sống cuộc đời mình chọn lựa, như một thứ quyền con người, cao hơn bất kỳ bộ luật của một cộng đồng người đặc thù nào, kể cả của thành quốc nơi ông sinh trưởng. “Suốt đời, tôi luôn luôn sống như thế trước mắt mọi người, khi có dịp tham chính cũng như trong quan hệ riêng tư, không nhân nhượng bất kỳ ai khi công lý bị đe dọa, ngay cả đối với bọn bạo ngược” (tr. 98)... “Tôi thà chịu nguy nan đứng về phía pháp luật và công lý hơn là theo đuổi quý vị làm điều bất chính vì sợ gôngcúm với tử thần” (tr. 96)... “Trước sự thế này, ngày nay tôi chỉ cần thưa với quý vị: có trả tự do cho tôi hay không, không thành vấn đề; Socrates sẽ thẳng bao giờ làm chuyện gì khác, dù phải bỏ mạng nghìn lần” (tr. 89).
Socrates là người trí thức đầu tiên theo nghĩa hiện đại. Vì Socrates dám tin vào một thứ chức năng thiên phú: phê phán không nhân nhượng xã hội ông đang sống. “Dường như Thần đã trói tôi vào thành quốc đế thức tỉnh, kích thích, quở trách mỗi công dân trong quý vị, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, không ngừng, không nghỉ” (tr. 91)... “Và xin quý vị chớ nổi giận nếu tôi nói ra đây một sự thực: chẳng ai có thế sống sót nếu dám đương đầu với quý vị hay với bất kỳ một tập hợp quần chúng nào khác. Không, dù ở đây hay ở đâu, chẳng ai có thể thẳng thắn ngăn cản sự đam mê của số đông, không để nó dẫn đến những hành động bất hợp pháp hay bất công trong xã hội mà lại không hề hấn gì” (tr. 94)... Nhưng “thật là sai lầm nếu quý vị nghĩ rằng chi cần giết người là trốn thoát lời chê trách sống không suy xét. Cách loại bỏ sự kiểm tra ấy vừa bất chính vừa bất khả thi, cách vừa chính đáng vừa dễ dàng là, thay vì tìm cách bịt miệng kẻ khác, hãy tự tu thân sửa tính” (tr. 120).
Trích lời “Dẫn vào Socrates Tự biện”. Dịch giả Nguyễn Văn Khoa 2006