Tối 23/4, Lễ trao Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ VII đã chính thức diễn ra tại Khách sạn Palace (số 56-66 Nguyễn Huệ, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh).
Năm cá nhân đã được trao tặng giải thưởng này với những công trình nghiên cứu xuất sắc và những đóng góp tích cực cho sự phát triển văn hóa, giáo dục của Việt Nam.
Cụ thể, giải "Nghiên cứu" được trao cho nhà nghiên cứu Sử học Tạ Chí Đại Trường vì những đóng góp độc đáo và mới mẻ của ông trong nghiên cứu Sử học.
Giải "Vì sự nghiệp Văn hóa - Giáo dục" được trao cho nhạc sỹ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang vì những đóng góp xuất sắc của ông, bà trong việc sưu tầm và truyền bá văn hóa dân gian Nam bộ.
Bên cạnh đó, ông Thomas J.Vallely cũng được trao tặng giải thưởng ở hạng mục này vì những đóng góp quan trọng của ông cho nền giáo dục đại học Việt Nam.
Giải "Dịch thuật" được trao cho phó giáo sư Ngô Đức Thọ vì những đóng góp xuất sắc của ông trong dịch thuật và truyền bá Văn hóa Hán Nôm.
Theo giáo sư Chu Hảo - Phó Chủ tịch thường trực Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, năm nay, Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh mang thông điệp mới về Hợp tác quốc tế trong lĩnh vục giáo dục, về Phương pháp nghiên cứu sử học… Đó là những đòi hỏi quan trọng, cấp thiết hiện nay để gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình hội nhập, phát triển.
“Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh ngày càng có giá trị xã hội, chất lượng giải thưởng luôn được đảm bảo và uy tín của giải thưởng ngày càng được khẳng định. Trong suốt các mùa giải, chưa có một hạng mục giải thưởng nào được trao mà vấp phải sự phản đối của xã hội, bị dư luận cho là không xứng đáng” giáo sư Chu Hảo cho hay.
Về phương hướng hoạt động trong thời gian tới của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, ông Chu Hảo cho hay: “Chúng tôi vẫn tuân theo nguyên tắc xét giải với sự đồng thuận 100/100. Giải chỉ trao cho những người còn sống. Bên cạnh đó, chỉ những thành viên của Hội đồng giải thưởng và những người đã được nhận giải mới có quyền giới thiệu ứng cử viên.”
Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh là một tổ chức xã hội thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; được thành lập từ năm 2007 với tên gọi ban đầu là Quỹ Dịch thuật Phan Châu Trinh.
Đến năm 2008, tổ chức này đổi tên thành Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh.
Bên cạnh chương trình tài trợ và hỗ trợ dịch thuật các tác phẩm thuộc dự án “Tủ sách Tinh hoa Tri thức Thế giới,” Quỹ triển khai nhiều hoạt động văn hóa khác hướng tới việc khuyến khích, tôn vinh các công trình nghiên cứu văn hóa đặc sắc; tổ chức đào tạo và phổ biến các giá trị văn hóa Việt Nam và thế giới.
Quỹ đã chọn ngày 24/3, ngày mất của Nhà văn hóa Phan Châu Trinh, làm ngày trao giải thưởng định kỳ hàng năm./.
Theo VietnamPlus